(HNMCT) - Điện ảnh tài liệu Việt Nam nhiều năm qua đã chứng kiến một cuộc "lột xác”, bứt phá của nhiều nhà làm phim, đặc biệt là các nhà làm phim trẻ. Tuy nhiên, với đặc trưng thể loại, trước mảnh đất hiện thực sinh động, phong phú, làm thế nào để điện ảnh tài liệu tìm lại được vị trí xứng đáng, tạo ra một thị trường cho phim thì đó vẫn là câu hỏi khó với không chỉ những nhà làm phim.
Thay đổi góc nhìn, thay đổi cách làm
Nếu theo dõi những bộ phim tài liệu nổi tiếng gần đây, hẳn người xem sẽ nhận ra sự khác biệt lớn so với phim của thế hệ trước. Trong đó, nổi bật nhất là phong cách làm tài liệu điện ảnh trực tiếp.
Đoạn trường vinh hoa là bộ phim tài liệu của đạo diễn Lê Mỹ Cường, vừa ra mắt khán giả chiều 18-10. Để tái hiện hành trình theo chân gánh hát cải lương, tuồng cổ hiếm hoi còn sót lại ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đoàn làm phim đã thực hiện hơn 100 giờ quay, 18 tháng đồng hành cùng nhân vật, ăn ngủ cùng họ. Đạo diễn Lê Mỹ Cường chia sẻ: “Phim ghi lại diễn biến cuộc sống như những mảnh ghép. Chúng tôi tìm đến họ với tâm thế tò mò, muốn ghi nhận cuộc sống của họ, không hề có định kiến về sự khổ sở. Chỉ có sự chân thành và cầu thị mới giúp chúng tôi bỏ định kiến sang một bên, để hiểu và trân trọng nhân vật của mình, và sau cùng là có thể kể lại câu chuyện về cuộc đời của họ, về cách mà họ đã sống”. Đồng tác giả dự án Thanh Nguyễn cũng cho rằng: “Đối với những người thực hiện dự án, cái quý giá của việc làm phim tài liệu thực tế là có thể đồng hành trong đời sống của nhân vật một cách tự nhiên, biến mình từ một người xa lạ trở thành một phần trong thế giới vốn kín đáo và bí mật vô cùng của họ...”. Nhờ thế, tác phẩm đã ghi lại được những gì diễn ra xung quanh niềm đam mê của họ một cách gần gũi, bộc lộ tính cách nhân vật một cách chân thực.
Theo đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng, trước đây các nhà làm phim thường dẫn dắt người xem bằng lời bình nhưng xu hướng hiện nay là để cho nhân vật tự bộc lộ. Chính vì vậy, người xem có cảm giác họ được đối thoại trực tiếp với nhân vật, từ đó có được góc nhìn riêng. Đạo diễn, NSND Nguyễn Như Vũ cũng đánh giá: Phim tài liệu đang dần bứt phá khỏi cách làm theo lối mòn, cũ kỹ để chinh phục công chúng bằng những bộ phim tươi mới, mang sắc thái và hơi thở thời đại.
Để tạo ra những bộ phim tài liệu thành công theo cách này, những nhà làm phim đã thực sự sống cùng nhân vật của họ trong một quãng thời gian khá dài. Chẳng hạn, với phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã ở cùng và ghi hình nhân vật trong suốt 13 tháng. Phim Lửa Thiện Nhân, nhà báo, đạo diễn Đặng Hồng Giang phải thực hiện trong vòng 3 năm. Trần Phương Thảo và Swann Dubus cũng mất 3 năm để thực hiện bộ phim Đi tìm Phong và gặt hái rất nhiều thành công như: Giải thưởng lớn (Grand Prix) tại Liên hoan phim quốc tế Jean Rouch 2015 (Paris, Pháp), giải Khán giả bình chọn ở Viet Film Fest 2016 (Los Angeles, Mỹ), giải Phim xuất sắc ở Liên hoan phim LGBT quốc tế 2016 (Hy Lạp)...
Ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội các Viện Văn hóa và các Đại sứ quán châu Âu tại Việt Nam (EUNIC - Việt Nam)
Kỳ vọng của người xem với các bộ phim tài liệu vốn khác với các bộ phim truyện. Trong các bộ phim hư cấu, người xem mong đợi một câu chuyện được tạo ra; đối với một bộ phim tài liệu, người xem lại chờ đón một câu chuyện dựa trên thực tế. Một bộ phim tài liệu luôn cố gắng nắm bắt thực tế, nó phản ánh những tình huống, con người và những điều thực sự tồn tại trên thế giới. Yêu cầu của mỗi bộ phim tài liệu chính là tính xác thực. Phim tài liệu mang đến những góc nhìn mà bình thường có thể ta không nhận ra. Chúng đưa người xem tới những nơi có thể họ chưa từng đặt chân tới... Phim tài liệu mang lại những kết nối đáng suy ngẫm và giúp chúng ta hiểu hơn về thế giới mình đang sống.
Chạm đến thành công
Ngoài việc giành các giải thưởng trong nước và quốc tế, phim tài liệu Việt trong 5 năm qua có những thành công bước đầu về mặt thương mại, thậm chí có những hiện tượng mang tính đột phá.
Trong bức tranh ảm đạm chung của các rạp chiếu từ đầu năm đến nay, bộ phim tài liệu ca nhạc Sơn Tùng M-TP: Sky Tour Movie là một điểm sáng. Còn trong lịch sử phim tài liệu Việt Nam, đây có thể coi là dấu mốc đáng nể, thậm chí khó vượt qua về doanh thu phòng vé.
Ra mắt khán giả toàn quốc từ ngày 12-6, bộ phim tài liệu kể trên đã thiết lập nhiều kỷ lục như: Bán 10.000 vé đặt trước trong vòng 48 giờ, sau 10 ngày ra rạp bán được hơn 153.000 vé, doanh số đạt gần 11,6 tỷ đồng, trở thành phim tài liệu âm nhạc có doanh thu cao nhất tại thị trường Việt Nam. Vào tháng 9-2020, bộ phim tiếp tục được phát hành trên nền tảng chiếu phim trực tuyến Netflix, là phim tài liệu âm nhạc đầu tiên của Việt Nam được phát hành tại 190 quốc gia/ vùng lãnh thổ. Đáng nể hơn, chỉ sau hơn 24 giờ đăng tải, bộ phim nhanh chóng leo lên top 1 “Trending Netflix” tại Việt Nam và xuất hiện trong top “Trending now” và “Popular on Netflix” (Phổ biến trên Netflix) toàn cầu.
Dù có nhiều lý do để giải thích cho sự thành công của bộ phim, đặc biệt là nhờ lượng fan quá lớn của ca sĩ Sơn Tùng M-TP, không thể phủ nhận rằng bộ phim đã đạt được mục tiêu thương mại bằng cách thể hiện hấp dẫn. Và, điều này mở ra hy vọng cho các nhà làm phim tài liệu về những bộ phim có khả năng gây “chấn động”.
Sơn Tùng M-TP: Sky Tour Movie cùng với những cái tên quen thuộc trước đó như: Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân, Đi tìm Phong, Chuyện ngày hôm qua... đã thay đổi dần quan điểm của công chúng nói chung về phim tài liệu. Đó không chỉ là những câu chuyện đời sống khô khan hay đậm tính tuyên truyền, mà hoàn toàn có thể là những tác phẩm điện ảnh hiện thực, giàu sáng tạo và vô cùng hấp dẫn...
Cần sự đồng hành
Ngoài các đơn vị nhà nước như Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, các đơn vị làm phim tài liệu thuộc các đài truyền hình..., khoảng 10 năm trở lại đây, có khá nhiều trung tâm làm phim tài liệu ra đời và phát triển ở Việt Nam. Chỉ tính riêng Hà Nội cũng có những cái tên ngày càng trở nên quen thuộc trong việc đào tạo, hỗ trợ các nhà làm phim tài liệu độc lập thực hiện ước mơ của mình như Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD)... Nhờ vậy, một cộng đồng làm phim trẻ, kể cả những nhà làm phim không chuyên và những người yêu phim tài liệu đã dần được hình thành với nhiều hoạt động sôi nổi. Nhà nghiên cứu Cao Trung Vinh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) trong một bài nghiên cứu từng khẳng định: “Ở Việt Nam, phim tài liệu do những người không chuyên làm đang trở thành một trào lưu và trào lưu này được hình thành, được kích thích bởi sự hỗ trợ của các quỹ nước ngoài (phi chính phủ), cụ thể là việc phát triển các trung tâm đào tạo làm phim tài liệu ở Hà Nội”.
Tuy nhiên, có thể dễ nhận thấy phần đông khán giả vẫn chưa được tiếp cận với phim tài liệu một cách thường xuyên. Điều này có nguyên nhân từ khán giả và từ hệ thống rạp chiếu quá chú trọng tới vấn đề doanh thu đã khiến cho cơ hội ra rạp của phim tài liệu ít dần, dẫn tới những nhà làm phim tài liệu, đặc biệt là giới làm phim tài liệu độc lập gặp nhiều khó khăn. Đạo diễn Trần Phương Thảo từng chia sẻ, hầu hết các nhà làm phim tài liệu độc lập hiện nay đều phải “lấy ngắn nuôi dài”. Họ phải làm thêm nhiều việc khác để có tiền theo đuổi một bộ phim mà quá trình thực hiện có thể kéo dài từ 2 - 3 năm. Đến khi hoàn thành, họ còn phải vượt qua khó khăn để tìm cách đưa bộ phim đến với công chúng.
Đúng như đạo diễn, NSND Nguyễn Như Vũ đánh giá: Hơi thở và sức sống của phim tài liệu bây giờ đã khác rất nhiều. Nhưng để đưa được sự thành công ấy đến với đông đảo khán giả, để những bộ phim được ra rạp không chỉ còn là “hiện tượng”, những nhà làm phim tài liệu rất cần sự đồng hành của công chúng, của những nhà phát hành... trên con đường theo đuổi đam mê.
Đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương
Sau chiến tranh, Việt Nam không còn là điểm nóng nhưng sự phát triển của xã hội, con người Việt Nam vẫn là đề tài thú vị đối với những nhà làm phim tài liệu khoa học quốc tế, với khán giả quốc tế. Một trong những bài toán nan giải của phim tài liệu khoa học là chúng ta phải động chạm đến những vấn đề mà công chúng quốc tế quan tâm, đi đến tận cùng điều mà khán giả quan tâm. Nhân tố thứ hai tạo nên tác phẩm thành công là công sức và sự sáng tạo của người nghệ sĩ, sự làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm trước tác phẩm của mình, có trách nhiệm với công chúng và người xem.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.