Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới để tăng sức cạnh tranh

Thùy Linh| 31/03/2017 06:27

(HNM) - Trước việc hàng ngoại đang tràn ngập thị trường, với các kênh phân phối chính như hệ thống siêu thị Metro, Big C, B’s mart..., các nhà bán lẻ nội địa cũng nhanh chóng đổi mới phương pháp kinh doanh.


Hàng ngoại được lợi từ siêu thị ngoại

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm nay Thái Lan đang “soán ngôi” Trung Quốc ở nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam. Hiện, Thái Lan là nhà xuất khẩu rau quả lớn nhất sang Việt Nam với 82,6 triệu USD (chiếm 50% kim ngạch) tính từ đầu năm. Thái Lan cũng đã vượt Trung Quốc về xuất khẩu mặt hàng điện gia dụng và linh kiện với kim ngạch đạt 120 triệu USD, chiếm 54,5% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này vào Việt Nam.

Sense Market của Saigon Co.op là mô hình kinh doanh kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.


Con số này cũng phù hợp với khảo sát từ Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC). Theo đó, mức độ tin cậy của người tiêu dùng Việt ngày càng giảm đối với hàng hóa Trung Quốc và tăng đối với hàng hóa có xuất xứ Thái Lan. Ông Hoàng Trọng, chuyên gia của Hội DN HVNCLC cho rằng, sở dĩ hàng Thái Lan được người tiêu dùng ưa chuộng, ngoài tâm lý e dè hàng Trung Quốc thì hàng Thái Lan còn có lợi thế phân phối bởi có nhiều siêu thị của Thái Lan đang hiện diện ở thị trường Việt Nam như Metro, Big C, B’s mart…

Theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn The Parthfinder, thị phần bán lẻ của các doanh nghiệp ngoại dự báo sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới, tạo điều kiện cho hàng nhập khẩu vào Việt Nam dễ dàng hơn, từ đó tạo áp lực cạnh tranh trực tiếp đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước. Còn bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN HVNCLC phân tích, khi các DN ngoại nắm trong tay hệ thống bán lẻ thì hàng ngoại sẽ có lợi thế rất nhiều ở thị trường Việt Nam bởi các “ông chủ” hệ thống phân phối sẽ ưu tiên hàng hóa nước họ. Chính vì vậy, việc phát triển hệ thống phân phối trong nước sẽ hỗ trợ tích cực đến sự phát triển của các DN nội địa.

Hiện đại hóa kênh phân phối truyền thống

Với tốc độ tăng trưởng bán lẻ dự kiến đạt trung bình 11,9%/năm và quy mô thị trường khoảng 180 tỷ USD vào năm 2020, theo ông Trần Anh Tuấn, tiềm năng bỏ ngỏ vẫn còn rất lớn cho các nhà bán lẻ nội địa, đặc biệt nếu chinh phục được kênh phân phối truyền thống. Kênh bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm khoảng 25% tổng doanh số bán lẻ trong nước và sẽ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, kênh này không chỉ đơn thuần là siêu thị hay trung tâm thương mại mà quan trọng hơn là kênh bán lẻ truyền thống sẵn có được hiện đại hóa.

Nhận thấy sự quan trọng của kênh phân phối truyền thống, cuối năm 2016, Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã chính thức đưa vào hoạt động mô hình kinh doanh là hệ thống cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.op Smile. Đây là hình thức liên kết, đầu tư, biến cửa hàng tạp hóa thành đại lý bán lẻ hiện đại với phương thức nhượng quyền.

Co.op Smile có diện tích kinh doanh linh hoạt từ 20m2 đến 200m2, kinh doanh từ 1.500 đến 2.000 mặt hàng tùy diện tích điểm bán, có đầy đủ những dịch vụ tiện ích như thu hộ cước điện thoại di động, internet, truyền hình cáp… Đây là cách mở rộng thị phần bán lẻ khá khôn ngoan của Saigon Co.op trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn của các đối thủ. Hiện Saigon Co.op đã triển khai khoảng 20 cửa hàng Co.op Smile và kế hoạch sẽ là 500 cửa hàng Co.op Smile trong năm 2017. Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng hợp tác đầu tư phát triển mô hình kinh doanh Sense Market kết hợp giữa chợ truyền thống và hiện đại. Hiện Sense Market đầu tiên đã được mở ngầm dưới lòng đất, tại khu vực Công viên 23-9 (quận 1).

Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, bên cạnh đẩy mạnh phát triển nhanh mạng lưới các hệ thống kinh doanh hiện hữu, Saigon Co.op cũng nghiên cứu phát triển các mô hình phân phối mới, đặc biệt là khai thác kênh phân phối truyền thống. Trong năm 2017 đơn vị này tiếp tục phát triển mạng lưới và xây dựng mô hình kinh doanh mới Co.opmart finest, kết nối đa phương tiện với các hình thức mua sắm khác.

Ngoài Saigon Co.op, các DN nội khác như Vingroup, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra)… cũng đang hoàn thiện các kênh phân phối của mình. Mỗi DN đều tìm cho mình một hướng đi mới để đứng vững và phát triển trong cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Chẳng hạn, bên cạnh việc mở chuỗi, Vingroup còn đầu tư vào nông nghiệp với các chương trình trồng rau an toàn, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín làm thế mạnh cạnh tranh cũng như hỗ trợ DN Việt phát triển. Theo các chuyên gia kinh tế, Nhà nước cần có những hỗ trợ cho hệ thống phân phối Việt phát triển, bởi phát triển hệ thống phân phối Việt sẽ là “bệ đỡ” cho hàng hóa của DN Việt đứng vững trên thị trường hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới để tăng sức cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.