Đại hội XI của Đảng chủ trương tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã nêu rõ một số vấn đề trọng điểm trong công tác xây dựng Đảng hiện nay:
Thứ nhất, tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn để lãnh đạo có hiệu quả hơn công cuộc đổi mới đất nước.
Thủ đô Hà Nội đang ngày càng đổi thay, phát triển. Ảnh: Bá Hoạt
Việc đổi mới Đảng và công tác xây dựng Đảng đòi hỏi trước hết cần từ bỏ những cách nghĩ, cách làm không đúng trong xây dựng Đảng, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều quan trọng là Đảng xác định được phương hướng đổi mới, đường lối đổi mới đất nước đúng đắn và không ngừng bổ sung, hoàn thiện đường lối ấy; tìm ra những cách làm, những phương thức lãnh đạo thích hợp để thực hiện cho được những đường lối đã đề ra. Tiêu chuẩn để khẳng định cái đúng, cái thích hợp là thực tiễn đổi mới làm cho Đảng ta, Nhà nước ta, chế độ ta ngày càng mạnh lên.
Đổi mới gắn liền với chỉnh đốn Đảng.
Đổi mới là từ bỏ những gì lạc hậu, lỗi thời để đi đến những cái đúng đắn hơn, tiến bộ hơn. Còn chỉnh đốn là sắp xếp lại những cái vốn có trước kia đến nay vẫn đúng, nhưng đã bị làm sai lệch. Đổi mới Đảng và chỉnh đốn Đảng là hai mặt của xây dựng Đảng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Chỉnh đốn là tiền đề cho đổi mới; đổi mới là để đem lại cho Đảng một chất lượng mới, một tầm cao mới, một bước phát triển mới đáp ứng những yêu cầu của thời kỳ đổi mới.
Thứ hai, vươn lên ngang tầm nhiệm vụ chính trị của một Đảng cầm quyền trong thời kỳ đổi mới. Muốn vậy:
- Phải kiên định, bổ sung, phát triển, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức, đổi mới đội ngũ cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác.
Nhìn một cách tổng quát, tư duy cần phải đổi mới chính là tư duy về chủ nghĩa xã hội và về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nhưng tư duy về hai vấn đề này lại có nhiều lĩnh vực - kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Đối với lĩnh vực nào cũng cần đổi mới tư duy, song trước hết phải tập trung vào lĩnh vực kinh tế, vì đây là lĩnh vực nóng bỏng nhất đang ở trong tình trạng tiềm ẩn những vấn đề nghiêm trọng có thể gây nên mất ổn định xã hội. Để đổi mới tư duy, cần tạo những điều kiện thuận lợi cho quá trình đổi mới tư duy: bầu không khí dân chủ trong xã hội, nhất là trong sinh hoạt Đảng, trong nghiên cứu khoa học; tinh thần tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý v.v…
Đổi mới về tổ chức để làm cho bộ máy của Đảng từ trên xuống dưới phù hợp với một Đảng cầm quyền trong điều kiện mới, tránh sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng nhiệm vụ; biên chế ngày càng phình to; tách nhập thiếu tính toán kỹ; hoạt động kém hiệu quả.
Đổi mới đội ngũ cán bộ nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Đó là đội ngũ cán bộ có tư duy đổi mới; có trình độ, khả năng thực hiện đổi mới; có bản lĩnh vững vàng trong mọi tình huống; không suy thoái về tư tưởng chính trị, biến chất về đạo đức, lối sống khi đi vào kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Đổi mới tổ chức, cán bộ đòi hỏi phải chống mọi lệch lạc như quan liêu, mất dân chủ, đẳng cấp, thiên vị, thành kiến, bè cánh, địa phương chủ nghĩa, chạy chức, chạy bằng cấp, chạy tuổi... như Đại hội XI đã nêu.
Thứ ba, đổi mới nhận thức về nguyên tắc tập trung dân chủ và thực hiện dân chủ rộng rãi trong Đảng.
Trong Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội XI đã ghi rõ các nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhưng dân chủ trong Đảng không chỉ thu gọn trong điều khoản về nguyên tắc tập trung dân chủ, mà còn được xác định trong một số điều khoản khác của Điều lệ Đảng, đặc biệt trong điều khoản về quyền của đảng viên. Quyền của đảng viên chính là quyền dân chủ của đảng viên, quyền của người đảng viên được làm chủ những công việc trong Đảng. Dân chủ cũng gắn với tự do, bình đẳng và công bằng. Trong Đảng, nếu hạn chế dân chủ hay không có dân chủ thì không thể nói đến tự do, trước hết là tự do tư tưởng, không thể thực hiện được sự bình đẳng của mọi đảng viên trước kỷ luật Đảng, không thể có công bằng trong đánh giá, nhận xét, sử dụng cán bộ, đảng viên.
Thứ tư, nhận thức sâu sắc hơn nữa quan điểm, nguyên tắc đổi mới đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ.
Muốn đổi mới đội ngũ cán bộ, trước hết phải đổi mới công tác cán bộ. Để đánh giá đúng cán bộ, phải lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao làm thước đo phẩm chất và năng lực cán bộ. Để bố trí đúng cán bộ, phải lấy nhu cầu nhiệm vụ làm căn cứ.
Bảo đảm tính tập thể trong các quyết định về cán bộ trên cơ sở dân chủ xem xét đầy đủ ý kiến của các tổ chức và cá nhân có liên quan. Phải dân chủ hóa công tác cán bộ bằng những quy chế rõ ràng. Xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong công tác cán bộ; tránh tình trạng người phụ trách không có quyền và nhất là không có trách nhiệm trong việc lựa chọn cán bộ do mình phụ trách.
Đổi mới cán bộ lãnh đạo các cấp là mắt xích quan trọng nhất của toàn bộ việc đổi mới đội ngũ cán bộ; việc luân chuyển cán bộ theo quy hoạch góp phần đào tạo những cán bộ có tầm nhìn xa, hiểu biết rộng, có bản lĩnh và năng lực lãnh đạo. Coi trọng việc bồi dưỡng và sử dụng nhân tài cho Đảng.
Trẻ hóa đội ngũ cán bộ, kết hợp đúng cán bộ nhiều tuổi với cán bộ trẻ. Chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế tục là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức đảng và phải được tiến hành theo quy hoạch, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển trong đội ngũ cán bộ.
Đổi mới Đảng là yếu tố quyết định để đổi mới đất nước. Những thành tựu cũng như hạn chế qua 25 năm đổi mới đất nước đã nói lên đầy đủ ý nghĩa then chốt của nhiệm vụ xây dựng Đảng và chính những thành tựu và hạn chế ấy lại đang đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ then chốt này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.