Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới cơ chế tài chính y tế: Bài toán khó cần lời giải

Minh Bắc| 15/12/2010 15:57

(HNMO) - Đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở y tế công lập theo hướng tự chủ, công khai, minh bạch; Bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế công bằng, hiệu quả và có chất lượng; Chuẩn hóa chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng bệnh viện từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, lấy bệnh nhân làm trung tâm đồng thời đảm bảo thu nhập tương xứng cho các y, bác sỹ… là chiến lược phát triển của ngành Y tế Việt Nam trong những năm tới.

Ảnh minh hoạ

Để đạt được điều đó cần phải đổi mới cơ chế tài chính y tế cũng như cách phân bổ nó sao cho hợp lý và quả thực đây là bài toán khó đối với ngành y tế Việt Nam.

Phát triển mạnh sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân là một trong những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng trong mười năm tới. Đây là lĩnh vực Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển nhanh hệ thống y tế từ các trạm y tế cấp phường, xã tới các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, Trung ương cũng như khuyến khích các thành phần kinh tế thành lập các cơ sở y tế chuyên khoa có chất lượng cao. Nhà nước sẽ có chủ trương xây dựng thêm một số bệnh viện chuyên khoa có trình độ cao tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số vùng; xây dựng một số cơ sở khám chữa bệnh có tầm cỡ khu vực...

Thực ra, đây cũng là chiến lược tiếp nối thành quả từ nhiều năm nay của ngành Y tế, mà muốn đạt điều đó thì vấn đề cốt lõi là phải đổi mới cơ chế tài chính trong hoàn cảnh kinh phí nhà nước cấp cho ngành còn eo hẹp. Lúc nào cũng vậy, chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người dân cao hay thấp luôn liên quan tới tới chính sách tài chính y tế gắn với bảo hiểm y tế. Có thể nói cụ thể hơn đó là chính sách tài chính chi cho dịch vụ nhân công, cho thiết bị giúp chẩn đoán, chữa bệnh và chi cho thuốc chữa bệnh… tất thảy đều liên quan mật thiết tới chất lượng dịch vụ y tế, y tế dự phòng, bảo hiểm y tế…

Thực tế, hiện nguồn tài chính cung cho các bệnh viện công lập chủ yếu từ ngân sách nhà nước, các nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp của bệnh viện trong đó nguồn thu chính là từ các dịch vụ do bệnh viện cung cấp (được chi trả từ quỹ bảo hiểm y tế và một phần trực tiếp từ người bệnh). Nguồn thu này chiếm tỷ trọng gần 97% ở bệnh viện tự chủ toàn phần, 72% ở bệnh viện tuyến Trung ương, gần 82% tại bệnh viện tuyến tỉnh và gần 55% ở bệnh viện tuyến huyện. Nếu xét về phương diện tài chính y tế thì cái khó lớn nhất mà ngành Y đang gặp đó là tổng chi phí cho y tế còn quá thấp chiếm 6,4% GDP và chỉ bằng 1/10 các nước phát triển trong khi người bệnh luôn phải chịu giá dịch vụ cao, giá thuốc cao ngang với những nước phát triển, nhất là biệt dược. Việt Nam đang phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu làm thuốc từ nước ngoài, thuốc sản xuất chủ yếu là thuốc thông dụng còn thuốc biệt dược vẫn phải nhập khẩu nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước chắc người bệnh còn phải chịu giá thuốc cao hơn nữa.

Qua số liệu về tài chính y tế quốc gia năm 2007, cho thấy tổng chi cho thuốc phòng, chữa bệnh là 28,4 ngàn tỉ đồng, tính theo giá so sánh năm 2007 thì mức chi cho mua thuốc tăng gần gấp đôi từ năm 2000 – 2007 và chiếm khoảng 40% tổng chi y tế, còn tính bình quân đầu người chi cho mua thuốc đạt gần 17 USD/năm. Khi điều trị cho bệnh nhân, người ta cần phải chi tối thiểu ba khoản đó là chi cho nhân công, thiết bị kỹ thuật và thuốc chữa bệnh. Nhiều chuyên gia y tế đã tính toán nếu tỷ lệ chi này được phân bổ theo công thức 4-4-2 sẽ cho kết quả điều trị hiệu quả, nhất nghĩa là chi cho nhân công 40%, thiết bị và chi khác 40%, và cho thuốc 20%.

Như vậy so sánh con số này với tỷ lệ trên đang có một khoảng cách quá lớn. Nhưng theo số liệu riêng rẽ của từng cơ sở khám chữa bệnh thì tỷ lệ này lại còn bất hợp lý hơn nữa. Tại một bệnh viện phía Nam, thống kê từ năm 2007 đến năm 2009 thì chi cho thuốc chiếm như sau: năm 2007: 60,47%; năm 2008: 74,47%; năm 2009: 71%; còn mười tháng năm 2010 chiếm 64,5%. Còn theo một báo cáo của một nhóm dược sĩ khi tiến hành điều tra ở Nam Định và Quảng Nam cho thấy kinh phí bình quân của cả đợt điều trị cho 1200 bệnh án được khảo sát là 242.221,3 đồng trong đó chi tiền thuốc trung bình là 152.546,2 đồng, chiếm 63% chi phí. Cơ quan Bảo hiểm y tế cũng xác nhận chi phí cho thuốc chiếm tới 60% tổng chi của bảo hiểm y tế. Trên thực tế chắc chắn tỷ lệ này sẽ chiếm cao hơn bởi việc bệnh nhân phải tự mua điều trị thêm không ai thống kê được.

Qua các con số đó có thể thấy việc tăng chi cho thuốc khi điều trị bệnh trong 2 năm vừa qua luôn luôn tăng có thể nói không dưới 60% tổng chi. Điều đó cũng lý giải tại sao giá cả trên thị trường thuốc chữa bệnh ở Việt Nam luôn luôn nóng bỏng và khó kiểm soát. Như vậy, việc chi tiêu của ngành Y tế nhằm đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho người dân đang đối mặt với quá nhiều khó khăn mà trước hết là nạn thiếu nguồn tài chính cung cấp đồng thời với cơ chế phân bổ chi chưa hiệu quả như đã phân tích.

Để giải quyết thỏa đáng vấn đề này quả thực không dễ dàng, nhất là nguồn cung cấp tài chính cho ngành Y tế. Bởi Việt Nam vẫn là nước có GDP bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, cho nên việc chi của từng gia đình để chăm sóc sức khỏe cho các thành viên vẫn còn khá khiêm tốn. Do đó, đổi mới cơ chế tài chính và hoàn thiện các chính sách bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh trong ngành y tế là rất cấp thiết.

Giải pháp để bảo đảm nguồn thu tài chính trước là quan tâm tới xu hướng bảo hiểm y tế, vì đây là xu hướng tạo ra sự công bằng nhất. Bảo hiểm y tế sẽ tạo ra sàn chăm sóc sức khỏe cơ bản cho mọi người. Còn những ai nghèo được nhà nước cho tiền tham gia bảo hiểm y tế, được bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên, đối với loại sử dụng dịch vụ cao, chúng ta có quy định bảo hiểm y tế sẽ chi trả hỗ trợ bao nhiêu phần trăm. Người nghèo cũng không phải chi trả nếu nó vượt mức cao một cách quá mức. Không có cách nào khác là phải sớm có lộ trình thực hiện BHYT toàn dân.

Ngoài việc chú trọng tới các đối tượng cận nghèo thì cũng cần có chế độ khuyến khích các đối tượng có thu nhập cao mua BHYT theo những gói dịch vụ có chất lượng cao hơn tương xứng với mức thu nhập của họ. Ngoài ra cũng cần giải quyết căn bệnh chủ yếu của tài chính y tế nằm ở hệ thống kinh doanh thuốc.

Theo một nghiên cứu quốc tế từ năm 2009 đã chỉ ra “trong khu vực công, các bệnh nhân trả 46,58 lần giá tham khảo quốc tế (IRP- International Reference Price) cho các nhãn thuốc đổi mới và 11,41 lần cho các thuốc thông dụng giá rẻ nhất”. Do vậy việc giảm tỷ lệ chi phí thuốc xuống còn 27% để gần với tỷ lệ mà các chuyên gia đưa ra trong khi giữ nguyên các chi phí khác là giải pháp khả thi nhất trong thực tế hiện nay để lấy phần tiết kiệm được từ thuốc dùng để tăng thu nhập cho y bác sỹ, bảo trì khấu hao máy móc thiết bị. Theo tính toán của một vài chuyên gia thì giải pháp này không những không ảnh hưởng đến chất lượng chữa bệnh mà còn làm tăng hiệu quả của nó nhờ giảm bất công trong điều trị bệnh, giải quyết được việc tăng thu nhập cho nhân viên y tế ít nhất là từ 2-3 lần, giảm được nạn phong bì, tăng chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của bệnh nhân. Đồng thời, qua đây chúng ta sẽ có điều kiện thực hiện tốt chính sách khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, người nghèo và trẻ em, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi./.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới cơ chế tài chính y tế: Bài toán khó cần lời giải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.