Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới cơ chế quản lý

Th.S Lê Tứ Hải| 09/06/2011 06:57

(HNM) - Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua, đã xác định phát triển khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững


Phát triển khoa học - công nghệ bắt đầu từ xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Đình Na

Suy cho cùng, nền văn minh nhân loại chính là sự phát triển của lực lượng sản xuất. Ở giai đoạn phát triển cao, lực lượng sản xuất không thể có hàm lượng khoa học công nghệ thấp. Vì vậy để phát triển đất nước, đòi hỏi tất yếu phải phát triển khoa học công nghệ. Nhưng làm thế nào để có một nền khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH ở Việt Nam hiện nay, đồng thời đưa những thành tựu khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất kinh doanh và đời sống, đòi hỏi phải giải quyết tốt những nội dung liên quan tới các yếu tố nền tảng như: Con người (yếu tố đầu vào); cơ chế chính sách và mức đầu tư (yếu tố hỗ trợ).

Chiến lược chỉ rõ: Tăng nhanh năng lực khoa học, công nghệ có trọng tâm, trọng điểm. Phát triển đồng bộ và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Nhà nước tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia, các giải pháp khoa học, công nghệ cho các sản phẩm chủ lực, mũi nhọn, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội, nhất là của các doanh nghiệp cho phát triển khoa học, công nghệ. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ khoa học, công nghệ với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở từng cấp, ngành, địa phương và cơ sở.

Một trong những vấn đề đặt ra từ đại hội trước là phát triển kinh tế tri thức. Đại hội XI đã đề cập một cách toàn diện và sâu sắc vấn đề con người trong phát triển, trong đó khẳng định tính cấp bách của vấn đề phát triển nguồn nhân lực và nền kinh tế tri thức. Để phát triển nền kinh tế tri thức cần phải có đội ngũ trí thức mạnh cả về lượng và chất, có cơ chế, chính sách khuyến khích lực lượng này cống hiến, phát huy vai trò trong chiến lược phát triển.

Hiện nay, khoa học công nghệ phát triển rất mạnh mẽ và đã thật sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Là nước đang phát triển, với quan điểm hội nhập toàn diện, Việt Nam cần tranh thủ thời cơ, tiếp thu và làm chủ các thành tựu khoa học công nghệ mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong nước. Điều này giúp chúng ta có thể phát triển dựa vào tri thức. Trong đó, vai trò của khoa học công nghệ nói chung và của công tác đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ, cần được quan tâm đúng mức. Trước hết cần phải có những giải pháp đúng và khả thi để phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao. Chính nguồn nhân lực này sẽ là cái bảo đảm cho việc không chỉ tiếp thu, làm chủ tiến bộ khoa học công nghệ thế giới, mà còn vận dụng và phát triển được tri thức khoa học và các công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn theo yêu cầu phát triển có trọng tâm, trọng điểm như chiến lược đặt ra. Điều đó đòi hỏi phải đổi mới cả bề rộng và chiều sâu nền giáo dục đào tạo nước nhà, nhằm mục tiêu lâu dài là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, phục vụ đắc lực cho phát triển. Bên cạnh việc đầu tư thỏa đáng cho giáo dục đào tạo, cần có chính sách đãi ngộ, tôn vinh thỏa đáng đội ngũ trí thức nói chung và chính sách khả dĩ thu hút, trọng dụng nhân tài, hạn chế hiện tượng chảy máu chất xám hiện nay. Đất nước ta rất dồi dào tiềm năng cho phát triển, đó là thế mạnh về tài nguyên, nguồn lực con người, để khai thác tốt và phát huy thế mạnh đó cần phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực bằng các thể chế, chính sách thích đáng trong đánh giá, sử dụng và đãi ngộ.

Thực tế lâu nay cho thấy, khoa học ở nước ta có bước phát triển nhưng chưa thực sự gắn với thực tiễn. Điều dễ nhận thấy là việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn rất hạn chế, hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm của chúng ta rất thấp. Phải chăng điều này làm nảy sinh tâm lý sính hàng ngoại, ngay cả những sản phẩm trong nước hoàn toàn có khả năng tự sản xuất với chất lượng không thua kém, thậm chí có loại tốt hơn hàng ngoại, cũng chưa được nhiều người tin dùng. Như vậy, khoa học chưa có ý nghĩa chấn hưng hàng nội, xúc tiến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nước nhà. Đã có những tính toán cho rằng, chúng ta mới chỉ phát huy được 20-25% khả năng của đội ngũ cán bộ làm khoa học công nghệ, và tình trạng khá phổ biến là các công trình nghiên cứu khoa học, kết quả lao động sáng tạo của các nhà khoa học "trang trí" ở thư viện nhiều hơn là được đưa vào ứng dụng trong thực tế. Điều này, ngoài cơ chế chính sách, còn phụ thuộc vào bản lĩnh, ý thức trách nhiệm của nhà khoa học đối với đất nước.

Muốn các đề tài khoa học, công trình nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn thì cần phải coi đó là các sản phẩm hàng hóa đặc biệt. Các nhà khoa học cần phải cung cấp cho thực tiễn những cái cần cho sản xuất kinh doanh và đời sống theo định hướng. Mặt khác, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần phải thấy được vai trò to lớn của khoa học công nghệ trong việc nâng cao năng suất - chất lượng - hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ đó thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ hình thành và phát triển, tạo sự kết nối giữa cơ sở đào tạo - các nhà khoa học - các nhà đầu tư, thỏa mãn nhu cầu của các bên. Điều này cho phép đáp ứng yêu cầu của chiến lược phát triển: Nhanh chóng hình thành một số cơ sở nghiên cứu - ứng dụng mạnh, đủ sức tiếp thu, cải tiến công nghệ và sáng tạo công nghệ mới gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh. Phát huy hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, làm chủ các công nghệ then chốt, mũi nhọn và đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hình thành hệ thống đánh giá kết quả, hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ theo chuẩn quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới cơ chế quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.