(HNM) - Đại hội VI của Đảng (1986) đã mở ra thời kỳ đổi mới, bắt đầu từ đổi mới tư duy kinh tế. Kinh tế đổi mới kéo theo sự đổi mới tương ứng của tư duy chính trị, văn hóa, giáo dục... Công cuộc đổi mới tư duy giáo dục diễn ra từ thời kỳ đó tới nay ngót 30 năm, "đã khắc phục được một số quan niệm phiến diện về giáo dục, đã tiếp cận được với một số quan điểm, triết lý giáo dục hiện đại của thế giới, đã có một số điều chỉnh, cải tiến về nội dung chương trình, sách giáo khoa, bước đầu đổi mới về cách dạy - cách học, chú trọng hơn về phát huy tính tích cực, chủ động của người học...".
Các chuyên gia giáo dục, các nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục kỳ cựu đều nhận định: "Đến nay giáo dục của ta vẫn thiên về dạy chữ (kiến thức) mà chưa chú trọng dạy làm người (trau dồi nhân cách, rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng tư duy, năng lực cảm thụ, óc tưởng tượng, trí sáng tạo…). Trong khi đó, thi cử lại nặng nề, thiên về kiểm tra trí nhớ, chứ không đòi hỏi vận dụng vào giải đáp những vấn đề bức xúc đang đặt ra ngay trong cuộc sống đời thường. Khoảng cách giữa mục tiêu lý thuyết và thực tiễn giáo dục xã hội chủ nghĩa của ta ngày càng xa vời; quá nhiều "thầy" không giỏi, nhưng lại thiếu nhiều "thợ giỏi".
Có học giả về giáo dục nói: "Muốn biết tương lai của một dân tộc ra sao hãy nhìn vào hiện tại xem dân tộc đó đang làm giáo dục như thế nào"? Ngày nay, nhân loại đang tiến vào một nền văn minh mới - văn minh trí tuệ, một nền kinh tế mới - kinh tế tri thức, một trình độ xã hội mới - xã hội thông tin. Thế giới đang trong cuộc chạy đua về tốc độ: Tốc độ nghiên cứu - triển khai, tốc độ đưa ra ứng dụng, tốc độ quay vòng vốn, tốc độ đẩy nhanh các số liệu, thông tin, tri thức,... trong hệ thống kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, lượng tri thức khoa học của loài người có xu hướng tăng lên rất nhanh nhưng cũng đang bị già đi, cũ đi, lạc hậu đến chóng mặt. Do đó: "Nếu cứ dạy và học là thừa, là vô ích".
Thời đại "hội nhập" và "phát triển" dĩ nhiên cần một kiểu người mới. Hội nhập, toàn cầu hóa là đi vào một thế giới luôn cạnh tranh. Vậy nên muốn thành công, giáo dục nước nhà cần đào tạo ra con người có trí tuệ, có bản lĩnh, tự tin, ham học và biết cách học, luôn say mê tìm tòi sáng tạo, không trượt theo lối cũ, đường mòn; có phẩm chất đạo đức - nhân văn, biết hợp tác, hòa giải những mâu thuẫn, khác biệt một cách khoan dung nhằm đi tới cộng tác thân thiện; có tư duy chuẩn xác trong phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề, có các kỹ năng xã hội như lựa chọn và xử lý thông tin, kỹ năng truyền đạt - thuyết phục người nghe. Vậy nên, chúng ta phải thiết kế một triết lý hiện đại, trong đó vừa tích hợp được tinh hoa giáo dục của thời đại mà vẫn kế thừa được truyền thống giáo dục tốt đẹp của dân tộc, nhất là tinh hoa tư tưởng giáo dục của nhà giáo vĩ đại - Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh.
Vấn đề cấp bách hiện nay là phải có những đổi mới thật căn bản và toàn diện về giáo dục, đề ra những lộ trình cụ thể để giáo dục thật sự trở thành "quốc sách hàng đầu", phát triển giáo dục và đào tạo là để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Phát triển giáo dục và đào tạo luôn gắn kết với "nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học và công nghệ, với quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực". Giáo dục để mọi công dân Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đào tạo ra nhiều "hiền tài" trong giáo dục để trong tương lai gần Việt Nam có thể sánh vai với "các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực" và xa hơn nữa là "vẻ vang sánh vai" với các cường quốc năm châu trong kỷ nguyên "hội nhập" và "toàn cầu hóa".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.