(HNMO)- Đó là kết luận của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng sau khi Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn tại QH vào chiều nay.
Trong đó, đáng chú ý là chất vấn của ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) khi nêu nhiều ý kiến của cử tri cho rằng: “Bộ trưởng đã không kiểm soát được tình hình khi Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trình đề án đổi mới SGK-CT với kinh phí 34.000 tỷ đồng”.
Nhất trí và tiếp thu ý kiến của ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh), Bộ trưởng Luận khẳng định tinh thần sẽ hướng tới cần phải có bộ chương trình chuẩn, thống nhất, trên cơ sở đó có SGK phù hợp cho các vùng miền, đối tượng.
ĐB Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) chất vấn liên quan đến vấn đề thiếu vốn khi thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Bộ trưởng Luận trả lời việc bố trí vốn được tính toán cân đối giữa nhu cầu và thực trạng cơ sở vật chất của mầm non. Quá trình triển khai có những nhân tố khách quan liên quan đến thu chi sử dụng ngân sách. Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ nói rõ thêm.
Trả lời về phương án xử lý tình trạng tồn đọng một số SV chưa được cấp bù học phí của ĐB Đặng Thị Kim Liên (Yên Bái), Bộ trưởng Luận cho biết liên bộ GD-ĐT và Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn cuối tháng 5 vừa qua với tinh thần các địa phương tiếp tục xử lý số hồ sơ này và cấp học phí, bù vào phần các cháu đã nộp ở nhà trường.
ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) chất vấn về hệ thống GDPT 12 năm không phù hợp, lãng phí, cần rút ngắn, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, vấn đề 12 năm hay rút xuống 11 năm, trong quá trình thảo luận xây dựng đề án thay đổi căn bản, toàn diện giáo dục, Bộ đã tổ chức nhiều hội thảo. Có ý kiến đề nghị rút xuống nhưng có ý kiến đề nghị không rút ngắn, không thay đổi vì yêu cầu khả năng tin học, ngoại ngữ cần phải tăng cường cho các HS, nếu rút xuống sẽ không đủ thời gian. Trước mắt giữ ổn định hệ thóng 12 năm như hiện nay.
ĐB Siu Hương (Gia Lai) nêu thực trạng mạng lưới trường mầm non công lập chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân, hệ thống ngoài công lập phát triển tự phát, chưa có chính sách thỏa đáng. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết cách đây vài năm, Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Bộ nghiên cứu, xây dựng đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Đối với cả mầm non công lập và ngoài công lập đang còn nhiều thiếu thốn khó khăn, cả về cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động, đội ngũ giáo viên.
Về vấn đề thừa giáo viên tiểu học trong khi thiếu giáo viên mầm non, đó là thực tế. Bộ cập nhật được tình hình này, đã bàn bạc và nêu phương án có thể tổ chức chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho giáo viên tiểu học ở nơi dư thừa để chuyển xuống dạy ở mầm non cho phù hợp. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương giải quyết cụ thể.
ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) nêu nhiều ý kiến của cử tri cho rằng: Bộ trưởng đã không kiểm soát được tình hình khi Thứ trưởng trình đề án đổi mới SGK-CT với kinh phí 34.000 tỷ đồng. Đề án của Bộ chắc chắn Bộ trưởng phải biết, trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào?
“Không kiểm soát được nghĩa là thứ trưởng phát biểu mà Bộ trưởng nói không phải ý kiến của Bộ” – ĐB này lý giải và hỏi thêm Bộ dự kiến khi nào trình đề án này lên QH?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã dành khá nhiều thời gian để giải trình vì sao lại xuất hiện con số 34.000 tỷ đồng này.
“Vào năm 2000, QH khóa X khi đó đã bàn và ra NQ số 40 về chủ trương đổi mới CT-SGK phổ thông. Đến năm 2014, thực hiện NQ 29 của TƯ, Bộ thảo luận và đề xuất, thiết kế xây dựng hồ sơ trình ra QH để QH ra NQ về chủ trương đổi mới CT-SGK của năm 2014.
Theo cách làm tương tự với năm 2000, nội dung của NQ 40 và nội dung của NQ dự thảo mà Bộ chuẩn bị gồm 3 ý lớn: Mục tiêu của việc đổi mới CT-SGK; tiến độ đổi mới CT-SGK và việc tổ chức thực hiện CT-SGK. Trong NQ 40 không có ván đề kinh phí. Do vậy hồ sơ bộ chuẩn bị báo cáo Thủ tướng xem xét trình UBTVQH là không có vấn đề kinh phí.
Chính phủ sẽ tính toán, sau khi QH có NQ về chủ trương đổi mới CT-SGK, Chính phủ sẽ phê duyệt đề án triển khai Nghị quyết đổi mới CT-SGK. Thông qua đó, mỗi đề án sẽ có vấn đề kinh phí. Còn phê duyệt đề án ấy là theo quy định của pháp luật hiện hành.
Do vậy không có con số 34.000 tỷ đồng trong hồ sơ đó. Chúng tôi không có khuyết điểm nào về việc này cả. QH khóa trước làm như vậy thì Bộ làm tương tự như vậy.
Vì chuẩn bị kinh phí nên theo quy trình Bộ phải thẩm định theo quy trình của Bộ, trình lên Chính phủ. Các bộ ngành có liên quan sẽ phải thẩm định kinh phí. Chính phủ phải họp, thảo luận, lấy ý kiến của UBQH đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Theo quy trình, không thể làm kịp để kỳ họp này xem xét, thông qua được. Sau khi xin ý kiến của Thủ tướng, cân nhắc ý kiến của TV QH, chúng tôi có văn bản rút việc đó ra khỏi kỳ họp QH và hứa sẽ khẩn trương triển khai trình QH vào kỳ họp tới
Về con số 34.000 tỷ đồng, khi UBTV QH họp cho ý kiến về đề án, tôi đi công tác nước ngoài không về kịp, Khi báo cáo chính thức trước thường vụ, không có con số 34.000 tỷ đồng. Khi thảo luận, giải trình, trong tay đồng chí thứ trưởng không có con số 34.000 tỷ đồng. Một đồng chí cấp vụ trao lên một tờ giấy. Con số đó chúng tôi chưa có bàn bạc, thống nhất. Sau đó tổ chức cuộc họp báo, báo chí rút gọn lại 34.000 tỷ đồng để biên soạn lại CT-SGK.
Ở đây có lỗi kỹ thuật, gây nên sự lo lắng, băn khoăn trong nhân dân.
Cuối phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính có giải trình ngắn gọn một số vấn đề bổ sung liên quan đến nội dung hỏi của ĐB.
Kết luận về nội dung chất vấn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận định trả lời của Bộ trưởng Luận thẳng thắn, tự nhận trách nhiệm về mình, đặc biệt là về những công việc còn yếu kém của ngành, đưa ra những định hướng, giải pháp giải quyết vấn đề QH đặt ra khá rõ ràng, đầy đủ.
QH hoan nghênh nỗ lực của ngành GD thời gian qua đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp GD-ĐT của đất nước. Đây là công sức của toàn Đảng, toàn dân, trực tiếp của các thầy giáo cô giáo từ mầm non tới ĐH. Sắp tới, chúng ta phải tiếp tục tiến hành thực hiện nghị quyết của TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, có nghĩa là nhìn vào chất lượng ngành GD còn rất nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được tình hình mới hiện nay.
“Dù là đổi mới, nhưng phải căn cứ vào truyền thống hiếu học của dân tộc; căn cứ vào truyền thống tôn sư trọng đạo của ông cha và căn cứ vào những thành quả của ngành GD trong những chặng đường lịch sử vừa qua. Đổi mới căn bản toàn diện không có nghĩa là bỏ hết” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý.
Chủ tịch QH cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp tục tiếp thu, hoàn chỉnh Đề án đổi mới CT-SGK để trình QH vào cuối năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.