Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới cách làm, nâng cao trách nhiệm

Minh Ngọc - Võ Lâm| 20/02/2014 07:08

(HNM) - Ngày 18-10-2011, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình 04-CTr/TU về

Hơn hai năm thực hiện, Chương trình 04 đã tạo nên thay đổi mạnh mẽ trong đời sống văn hóa - xã hội Thủ đô. Tuy nhiên, ngày 18-2, triển khai nhiệm vụ năm 2014, Ban chỉ đạo Chương trình 04 khẳng định sẽ tập trung đổi mới cách làm và tăng cường trách nhiệm.

Tổ chức đám cưới tập thể, nét đẹp văn hóa của tuổi trẻ Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam


Lan tỏa sâu rộng

Đánh giá về Chương trình 04, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định: Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy có diện bao quát rộng, liên quan đến các mặt, lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước và Thủ đô. Trên mỗi lĩnh vực trong 3 nhóm nội dung chính của Chương trình 04 đều có những bước tiến đáng kể. Chẳng hạn, cùng với việc bảo tồn thành công số lượng di tích lớn nhất cả nước, trong hơn hai năm qua, hàng trăm trung tâm văn hóa, nhà văn hóa được xây dựng mới. Số lượng và chất lượng các hoạt động nghệ thuật quần chúng, nghệ thuật chuyên nghiệp phong phú, đa dạng, giúp cho người dân ngày càng có thêm nhiều lựa chọn thưởng thức. Hà Nội vẫn là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, thu hút sự quan tâm thường xuyên của dư luận báo chí và nhân dân. Những lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước gia tăng hằng năm, nguồn lực xã hội hóa cũng được huy động mạnh bằng cách mở rộng cơ chế, chính sách. Riêng về lĩnh vực y tế, trong hơn hai năm thực hiện Chương trình 04, đã có 17 công trình mới được khởi công, xây dựng. Giáo dục - đào tạo Thủ đô không chỉ mở rộng quy mô mà còn đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn phát triển vượt bậc. Học sinh Thủ đô luôn có thành tích dẫn đầu trong các kỳ thi chung và các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia...

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nội dung được quan tâm và cũng được coi là khó nhất của Chương trình 04. Trong quá trình phát triển, mở cửa hội nhập, cái đẹp, cái tích cực rất nhiều nhưng chúng ta cũng đang bị cái xấu của nền kinh tế thị trường xâm lấn. Mặc dù khó khăn, nhưng lĩnh vực này cũng có những chuyển biến nhất định. Thành phố đã đưa vào dạy đại trà trong các cấp học bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh". Phong trào thực hiện việc cưới theo nếp sống mới, việc tang văn minh đang ngày càng được người dân Thủ đô hưởng ứng, tự giác thực hiện, tiêu biểu như ở Hà Đông, Đông Anh, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình... Văn minh đô thị cũng chuyển biến mạnh, nổi bật là tình trạng xả rác ra đường, "bôi bẩn" trên tường đã giảm rõ rệt... Nhận thức và ứng xử của người dân cũng chuyển biến tích cực.

Hơn hai năm qua, Chương trình 04 đã được triển khai thực hiện rộng khắp ở các địa phương, đơn vị. Ban chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đã tập trung đưa chương trình vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả. Công tác tổ chức thực hiện có sự chủ động, sáng tạo ở từng lĩnh vực, địa bàn. Ban chỉ đạo chương trình nhận định: "Việc thực hiện của các địa phương, đơn vị đã tránh được tính phong trào, thời vụ". Đến nay, 20/43 đề án, dự án thuộc các lĩnh vực của chương trình đã hoàn thành. Một số đề án còn lại đang chờ phê duyệt hoặc đã chuyển sang giai đoạn tổ chức thực hiện.

Có thể thấy rõ, qua hơn hai năm thực hiện, Chương trình 04 đã khẳng định ý nghĩa, tác dụng thiết thực, là chủ trương hết sức đúng đắn của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Chương trình không chỉ có ý nghĩa, tác dụng trong hiện tại mà còn ảnh hưởng mang tầm chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Lựa chọn trọng tâm, cộng đồng trách nhiệm

Tuy nhiên, kết quả thực hiện Chương trình 04 chưa đạt yêu cầu và mong muốn của Thành ủy Hà Nội cũng như Ban chỉ đạo Chương trình. Đơn cử như việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Ban chỉ đạo Chương trình nhận định: "Nhiệm vụ này chưa được coi trọng chỉ đạo thực hiện một cách tương xứng". Hay về công tác phát triển nguồn nhân lực, Ban chỉ đạo đánh giá: "Mạng lưới cơ sở đào tạo chưa được quy hoạch đồng bộ; đội ngũ chuyên gia đầu ngành còn thiếu; còn có cán bộ, công chức, viên chức thiếu ý thức trách nhiệm, có thái độ chưa đúng mực khi tiếp xúc với dân". Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đặt vấn đề: "Phải chăng một số vụ việc đáng tiếc về văn hóa, ứng xử xảy ra trên địa bàn vừa qua có phần trách nhiệm của sự bất cập, hạn chế trong việc thực hiện chương trình?".

Ngoài các mục tiêu chung, năm 2014, Ban chỉ đạo Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đạt 84,5% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa"; 54,5% làng, thôn, bản được công nhận, giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa"; 64,5% tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa"; tăng 3 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; giảm 0,8% tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2012; đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp hơn 4,8%; tăng thêm 120 trường công lập đạt chuẩn quốc gia...

Phó Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 04 Tưởng Phi Chiến cho biết, việc triển khai Chương trình 04 trong năm 2014 sẽ được thực hiện theo hướng chọn lọc, chất lượng, hiệu quả. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm số một là các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các đoàn thể từ thành phố tới cơ sở phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Chương trình 04 xác định. Nơi nào chưa làm tốt phải mạnh dạn thay đổi người thực hiện. Tinh thần chỉ đạo chung của Thành ủy đối với việc thực hiện Chương trình 04 năm 2014 là đổi mới cách làm và tăng cường trách nhiệm.

Trách nhiệm là nhân tố quyết định kết quả thực hiện Chương trình 04. Đó không chỉ là trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân Thủ đô. Chương trình 04 lấy trọng tâm là yếu tố con người, nên thành bại của chương trình cũng phụ thuộc vào yếu tố con người, ở đây đòi hỏi mỗi người phải có trách nhiệm, làm sao cho xứng là Thủ đô - trái tim của cả nước.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị:
Thực hiện Chương trình 04 là nhiệm vụ cấp bách

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm Chương trình 04-Ctr/TU năm 2014, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, Chương trình 04-CTr/TU có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Thủ đô, đặc biệt có liên quan đến truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Những vấn đề được nêu ra trong Chương trình 04-CTr/TU không chỉ có ý nghĩa cơ bản, lâu dài mà còn là nhiệm vụ cấp bách trước mắt. Việc thực hiện chương trình tốt hay không tốt đều ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống, xã hội Thủ đô. Bí thư Thành ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền, các ngành, các đoàn thể từ thành phố tới cơ sở cần tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện các nội dung của chương trình. Ban chỉ đạo chương trình cần triển khai lồng ghép việc thực hiện Chương trình 04 với các chương trình khác và với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, với chủ đề "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014", từ đó phát huy vai trò chủ động, nâng cao năng lực điều hành của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lưu ý, trong quá trình tiếp tục thực hiện Chương trình 04-Ctr/TU, các cấp, các ngành cần nghiên cứu phát huy cái hay, cái đẹp của người Hà Nội và triệt tiêu những cái xấu, cái cổ hủ. Ban cán sự Đảng UBND thành phố, cấp ủy các cấp cần chỉ đạo rà soát, đánh giá lại các chỉ tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, chỉ rõ ưu điểm, hạn chế, nhất là làm rõ nguyên nhân của hạn chế, kịp thời đề ra giải pháp khắc phục. Hà Nội phải gương mẫu đi đầu trong cả nước, trong đó gương mẫu đi đầu về xây dựng văn hóa phải được coi trọng, tập trung thực hiện với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới cách làm, nâng cao trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.