(HNM) - Hôm nay (23-3), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Nước thế giới (22-3) và Ngày Khí tượng thế giới (23-3). Năm 2010, chủ đề của Ngày Nước thế giới là
Trên tất cả các dòng sông từ Bắc vào Nam, mực nước đang xuống thấp nhất từ trước đến nay. Đồng ruộng nhiều nơi đều khô nẻ vì thiếu nước, nông dân đang đứng trước một vụ thất bát. Những bất ổn trong việc bảo đảm an ninh nước đang bộc lộ.
Mực nước sông Hồng xuống mức thấp kỷ lục, các bãi cát ngày càng rộng, thế chỗ cho dòng nước đỏ nặng phù sa. Ảnh: Linh Tâm |
Mực nước các sông xuống thấp kỷ lục
Những tháng gần đây, mực nước sông Hồng tại Hà Nội liên tục thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Số liệu đo được đã phá vỡ tất cả những kỷ lục ghi nhận trong hơn 100 năm qua. Mực nước sông Hồng đo được tại Hà Nội lúc 1h sáng nay là 0,52m. Nếu so với trị số đo được cùng kỳ những năm trước thì cũng là mức thấp kỷ lục. Nhưng không thấp bằng mực nước của 2 tháng trước. Cụ thể, tháng 1-2010 là 0,48m (đo lúc 7h ngày 21-1); tháng 2-2010 là 0,1m (đo lúc 19h ngày 21-2). Cả ba trị số trên đều thấp nhất lịch sử trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ của hơn 100 năm qua. Đó là chưa kể tới, mức nước tại Hà Nội tháng 11-2009 là 0,76 (đo lúc 7h ngày 18-11); tháng 12-2009 là 0,66m (đo lúc 1h sáng ngày 29-12).
Lý giải về nguyên nhân mực nước sông Hồng xuống thấp, bà Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, trước hết, nhiệt độ trung bình của Bắc bộ trong tháng 1, tháng 2 đều cao hơn TBNN. Tháng 1 cao hơn 1,5-2,0oC; tháng 2 cao hơn 2,9-3,0oC. Và tháng 3 này cũng được dự báo là sẽ cao hơn TBNN. Riêng khu vực phía Đông Bắc bộ ở mức cao hơn 3,5oC so với TBNN. Trong khi đó, mùa mưa lũ năm ngoái kết thúc sớm và lượng mưa lại thấp hơn TBNN. Tổng lượng mưa từ tháng 10-2009 đến nay (đầu tháng 3-2010) tại Bắc bộ phổ biến ở mức thấp hơn TBNN, hụt hơn so TBNN từ 70-90%, thậm chí có nơi hoàn toàn không mưa.
Đồng thời, nguồn nước về Việt Nam trong các tháng 11 và 12-2009, tháng 1 và 2-2010 giảm dần và đều ở mức thấp hơn TBNN khoảng 35-65%. Mực nước tại các trạm thượng lưu sát biên giới đều ở mức rất thấp, kéo dài trong nhiều ngày, trong nhiều tháng và xảy ra nhiều trị số thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc của tháng 10, 11, 12-2009 và tháng 1, 2-2010. Lưu lượng thấp nhất thượng nguồn sông Hồng được ghi nhận tại Lào Cai vào tháng 2-2010 là 70m3/giây thiết lập kỷ lục mới bởi mức thấp nhất ghi được trong lịch sử cùng thời điểm là 112 m3/giây.
Nông dân huyện Thanh Yên, tỉnh Điện Biên trên cánh đồng gần 1ha đang bị khô hạn nặng. Ảnh: Trường Thành - TTXVN |
Ngoài ra, mực nước các hồ thủy điện lớn ở Bắc bộ đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2009 và mức thiết kế. Mực nước tại hồ Hòa Bình lúc 7h ngày 4-3-2010 là 108,44m (cùng kỳ 2009 là 109,59m); hồ Tuyên Quang 98,1m (cùng kỳ là 112,8m); hồ Thác Bà 49,8m (cùng kỳ là 54,9m).
Về bản chất, những nguyên nhân làm mực nước sông Hồng xuống thấp cũng chính là những nguyên nhân làm mực nước sông ở các vùng khác xuống thấp.
Bảo đảm an ninh nước - Bài toán cần lời giải
Theo nhiều chuyên gia về khí tượng, thủy văn, nguyên nhân chủ đạo là do hiện tượng El Nino. Khu vực Đông Á và Đông Nam Á đang chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên mưa ít, bão ít và nhiệt độ cao. Dự báo, hiện tượng El Nino còn tiếp tục hoạt động đến đầu tháng 5-2010. Nguyên nhân của hiện tượng El Nino đều được nhiều người cho là tại biến đổi khí hậu.
Lúa vụ đồng xuân đang kỳ trổ nhưng không cho hạt vì hạn hán tại xã Phong Tân, huyện Giá Rai (Bạc Liêu). Ảnh:Duy Khương - TTXVN |
Nếu tình trạng mưa ít, hạn hán kéo dài gây thiếu nước trồng trọt, thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng thì nhu cầu sử dụng nước tại hạ du đang gia tăng, càng gây sức ép lên tài nguyên nước. Những năm qua, việc khai thác, sử dụng nước mặt cũng như nước ngầm thiếu giám sát và thiếu quy hoạch. Cụ thể, mực nước ngầm ở Hà Nội liên tục giảm gần 1m mỗi năm do bị khai thác quá mức. Thêm vào đó, rừng đầu nguồn bị khai thác cạn kiệt nên dòng chảy ngầm cũng giảm mạnh. Những điều này khiến tài nguyên nước vốn không giàu lại càng bị cạn kiệt.
Rõ ràng, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng mất an ninh về nước và không thể chủ động giải quyết triệt để vì hơn 60% nguồn nước của Việt Nam phát sinh từ nước ngoài. Trong khi nguồn nước này bị các nước láng giềng chặn lại vì cũng đối mặt với những vấn đề tương tự, nguồn nước phát sinh nội địa lại ngày càng giảm do mưa giảm, nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng nước gia tăng.
Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong quản lý nguồn tài nguyên nước. Tuy nhiên, những nỗ lực đó chưa theo kịp mức độ tệ hại do tình trạng thiếu nước gây ra. Bà Nguyễn Lan Châu cho rằng, Việt Nam cần một chiến lược tầm xa về khai thác, sử dụng và quản lý nguồn nước. Tài nguyên nước cần được quản lý bài bản hơn. Nếu thiếu nước mà chúng ta chủ động thì tình hình sẽ khác nhiều. Điều này đã được minh chứng ở nhiều quốc gia.
Quản lý rủi ro để thích ứng với biến đổi khí hậu (HNM) - Ngày 22-3, lần đầu tiên ở Việt Nam, một hội nghị quốc tế của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí khậu (IPCC) đã được tổ chức với sự chủ trì của ĐH Quốc gia Hà Nội. Với chủ đề: "Quản lý rủi ro các thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu", diễn ra từ ngày 22 đến 26-3, hội nghị quy tụ gần 100 nhà khoa học hàng đầu từ hơn 25 nước trên thế giới. Tại đây các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề nóng bỏng, mang tính cấp bách mà những tác động của biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt là các giải pháp quản lý rủi ro, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định rằng, biến đổi khí hậu đang trở thành một thách thức lớn nhất mang tính toàn cầu mà chúng ta và các thế hệ mai sau phải đối mặt. Với tư cách Chủ tịch ASEAN, khu vực chịu nhiều nhất tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam coi vấn đề này như một ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự và khởi động việc thành lập Diễn đàn Đông Á về biến đổi khí hậu. Quỳnh Phạm |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.