(HNM) - Trong bối cảnh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đang được tăng tốc, tổ chức Đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đang đứng trước nhiều vấn đề để tiếp tục khẳng định vị thế lãnh đạo. Thực tế tại Hà Nội không chỉ cho thấy rõ ràng hơn thách thức mà còn đặt ra nhiều bài toán phải sớm tìm lời giải.
Không chỉ thiếu thống nhất mô hình tổ chức
Hiện nay, Đảng bộ TP Hà Nội có 27 đảng bộ tổng công ty (TCT) nhà nước trực thuộc với tổng số 476 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và 22.799 đảng viên. Số lượng đảng viên trong các TCT này chiếm trên 6% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ thành phố. Vị thế của các tổ chức Đảng trong TCT tại Hà Nội là không nhỏ. Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, các đảng ủy TCT đã lãnh đạo hiệu quả, nhất là về xây dựng và thực hiện chiến lược sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Theo nhận xét của Thành ủy Hà Nội, đảng bộ các TCT đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực công tác. Các chỉ tiêu chủ yếu như tổng doanh thu, nộp ngân sách, lương bình quân của các TCT duy trì ở mức cao. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, ngoài sản xuất kinh doanh, đóng góp an sinh xã hội, các TCT còn thực thi nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố.
Mặc dù vậy, tổ chức Đảng trong các TCT nhà nước tại Hà Nội còn không ít khó khăn, vướng mắc. Trước hết là về sự thiếu thống nhất mô hình tổ chức. Hiện có hai mô hình là đảng bộ toàn TCT và không toàn TCT. 15/27 đảng bộ toàn TCT trực thuộc Thành ủy Hà Nội được đánh giá là hoạt động hiệu quả, còn lại 12 đảng bộ không toàn TCT trực thuộc một đảng ủy khối và một số quận ủy hoạt động khó khăn. Khó khăn lớn nhất là việc triển khai, thực hiện và kiểm tra thực hiện nghị quyết của đảng ủy thường bị "cắt khúc", "gián đoạn". Một điểm bất cập nữa là trong số 27 TCT, vẫn tồn tại một số trường hợp, tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ TP Hà Nội, nhưng tổ chức công đoàn lại trực thuộc bộ, ngành hoặc địa phương. Sự lệch pha này khiến công tác chỉ đạo của tổ chức Đảng trong TCT gặp khó khăn, không phát huy hết được sức mạnh. Trong khi đó, với đặc điểm làm kiêm nhiệm, chất lượng nghiệp vụ công tác Đảng trong các đảng bộ TCT còn nhiều hạn chế, xảy ra nhiều sai sót.
Đáng chú ý là việc duy trì vị thế lãnh đạo của tổ chức đảng TCT trong bối cảnh các doanh nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu, Nhà nước không nắm tỷ lệ cổ phần chi phối. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinaconex Nguyễn Thành Phương cho rằng: "Khi cổ phần nhà nước giảm, tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài nắm quyền kiểm soát thì chủ tịch HĐQT sẽ làm công tác cán bộ thay cho tổ chức Đảng". Còn Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nêu rõ: "Thay đổi tỷ lệ sở hữu cũng thay đổi luôn về bản chất doanh nghiệp, nên duy trì vị thế lãnh đạo của tổ chức Đảng là rất khó". Hà Nội dự kiến hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong năm 2016, nghĩa là chỉ hai năm nữa, những nguy cơ này sẽ là hiện thực.
Những việc cần làm ngay
Trên thực tế, Hà Nội đã có kinh nghiệm đối phó với nguy cơ nêu trên. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV TCT Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho biết, Đảng bộ TCT được thành lập từ năm 1999 khi đó mới chỉ có 17 chi bộ và 400 đảng viên, đến nay đã phát triển thành 36 chi bộ với trên 1.400 đảng viên, trong đó, 20 DN có vốn nhà nước dưới 50%, 3 DN tư nhân. Tất cả đều có tổ chức Đảng hoạt động tích cực. Bí thư Đảng ủy Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Bằng cách chuẩn bị thực chất, thuyết phục khéo léo, Đảng ủy TCT vẫn can thiệp được vào công tác cán bộ của các đơn vị thành viên, cho dù không phải 100% đơn vị nghe theo. Kinh nghiệm ở đây là bằng mọi cách, phải thuyết phục, sắp xếp được chủ tịch HĐQT hoặc tổng giám đốc, giám đốc các DN giữ chức danh bí thư đảng ủy mới có thể duy trì thành công vị thế lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các TCT ngay cả sau khi đã thực hiện cổ phần hóa.
Cách làm của TCT Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội trên đây là nhờ có sự chỉ đạo xuyên suốt, bài bản, khoa học của Thành ủy Hà Nội thông qua Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 về "Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020". Hà Nội là địa phương đầu tiên cả nước có nghị quyết riêng về lĩnh vực này, nên đây là cơ sở thực tiễn không thể bỏ qua khi đối mặt với những thách thức trong việc duy trì vị thế của tổ chức Đảng trong các TCT nhà nước - một vấn đề không chỉ của riêng Đảng bộ TP Hà Nội.
Nhưng trước hết, duy trì vị thế lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các TCT không thể không dựa vào những đảng viên, tổ chức Đảng trong chính các TCT đó. Một phân tích mới đây chỉ ra rằng, tâm lý của nhiều đảng viên, thậm chí là lãnh đạo cấp ủy đảng trong các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa là "không còn vai trò của tổ chức Đảng nữa". Điều đáng nói là số đảng viên có tư tưởng này không phải là ít. Đây là dấu hiệu đặc biệt đáng quan tâm và cần có giải pháp mạnh mẽ về giáo dục chính trị tư tưởng càng sớm càng tốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.