(HNM) - Đánh giá, nhìn nhận vị thế của tổ chức Đoàn Thanh niên sau 80 năm xây dựng và trưởng thành; Luật Thanh niên đi vào thực tế cuộc sống đến đâu; vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên thế nào? Là các vấn đề nổi bật, được nhiều cựu cán bộ Đoàn quan tâm tại Hội thảo khoa học "Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - 80 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành" vừa được TƯ Đoàn tổ chức ngày 2-3.
Thay đổi để tiến lên theo xu hướng phát triển
Một cuộc hội thảo đầy ý nghĩa với hơn 50 bài tham luận, "đồ sộ" về lý luận, thực tiễn, đa dạng về cách đặt vấn đề, nhưng theo ông Vũ Mão (nguyên Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn), vai trò của Đoàn trong hệ thống chính trị cơ sở là vấn đề rất lớn thì vẫn chưa được đề cập sâu. Thực tế, không hiếm tình trạng một số cấp bộ Đoàn chỉ tổ chức hoạt động dồn dập vào dịp tháng 3, sau ngày 26-3, phong trào, khí thế của thanh niên lại chùng xuống. Ông Vũ Mão đề xuất, năm 2011 được Ban Bí thư TƯ Đảng chọn là Năm thanh niên, vì thế Đoàn cần xây dựng kế hoạch hoạt động đều khắp trong cả năm, đồng thời cũng cần có từ 2 đến 3 hội thảo chuyên đề, tránh sự dàn trải. Đặc biệt, Đoàn cần tận dụng trí tuệ những cán bộ, nhà nghiên cứu và những cựu cán bộ Đoàn tâm huyết, có lý luận và thực tiễn trong công tác thanh niên để vận dụng trong chỉ đạo, hoạt động công tác thanh niên trong tình hình mới.
Tuổi trẻ Thủ đô luôn đi đầu trong các phong trào tình nguyện. Ảnh: Thái Hiền |
Ông Đặng Quốc Bảo (nguyên Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn) cho rằng, mỗi giai đoạn lịch sử, Đoàn có vai trò riêng. Thời điểm hiện nay, thanh niên bị chi phối bởi tác động từ nhiều phía, Đoàn cần thực sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp trong điều kiện kinh tế thị trường. Nên chú trọng đến giáo dục, thu hút tài năng trẻ, đề xuất với Đảng, chính quyền mạnh bạo giao việc cho thanh niên và phải xác định chưa lúc nào đòi hỏi thanh niên xung kích trong công cuộc phát triển đất nước như thời điểm này. Ông Bảo cũng thẳng thắn cho rằng, có bốn cái chi phối đáng buồn ở cán bộ Đoàn hiện nay, đó là "dối trá, nịnh bợ, học giả; hư danh; lo cho bản thân mà ít nghĩ đến xã hội, cộng đồng và ứng xử với nhau tàn nhẫn". Đoàn cần khắc phục hạn chế này, thay đổi để tiến theo xu hướng phát triển của thời đại.
Từng là Bí thư Thường trực TƯ Đoàn, ngoài thể hiện cảm xúc, trải nghiệm của mình thời gian làm cán bộ Đoàn, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH cho rằng, Đoàn cần đánh giá và có câu trả lời rõ vai trò của Đoàn sau 80 năm phấn đấu và định hướng tới đây thế nào? Theo bà Mai, không ít thanh niên nhận thức rằng, vào cơ quan Nhà nước làm việc mới là cống hiến, đóng góp. Họ không thấy được, thanh niên có nhiều cách đóng góp xây dựng phát triển đất nước, quê hương mà không nhất thiết cứ phải trong cơ quan nhà nước. Đây là trách nhiệm giáo dục của tổ chức Đoàn.
Vẫn là vấn đề cán bộ
Theo một số diễn giả tại buổi hội thảo, Luật Thanh niên ra đời đã 5 năm, là "bảo bối" của Đoàn về vệc đề xuất các chính sách giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên nhưng tổ chức Đoàn chưa quan tâm đúng mức. Ngay cả cán bộ Đoàn, nhiều người cũng không rõ các nội dung, chương mục của luật, vì thế cần đưa vấn đề này trong các hội thảo tới đây của Đoàn, nêu bật giá trị của luật trong đời sống.
Đề cập đến chính sách cho thanh niên, bà Trương Thị Mai dẫn chứng, lao động các khu công nghiệp và chế xuất tập trung đa số là thanh niên, hằng năm diễn ra nhiều cuộc đình công tự phát, sai quy trình và Đoàn phải tính đến góp gì trong lĩnh vực này. Tổ chức Đoàn phải suy nghĩ, góp gì ở 3 bước đột phá, đặc biệt là đột phá về xây dựng nguồn nhân lực mà Đại hội lần thứ XI của Đảng đã chỉ ra. Đoàn nên chủ động đề xuất chính sách liên quan đến thanh niên, đặc biệt là thanh niên nghèo, thanh niên di cư, thanh niên khu vực nông thôn.
Nêu vấn đề "Làm thế nào để nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn trên địa bàn dân cư", Bí thư Thành đoàn Hà Nội Ngọ Duy Hiểu cho rằng cơ sở Đoàn xã, phường, thị trấn có vai trò xung kích và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ KT-XH-ANQP ở địa phương, đặc biệt là tham gia xây dựng nông thôn mới, là rèn luyện, cung cấp cán bộ cho hệ thống chính trị cơ sở. Tuy nhiên, việc thu hút, tập hợp thanh niên ở khu vực này gặp nhiều khó khăn do tình trạng dịch chuyển nguồn lao động; phong trào hành động của Đoàn chưa hiệu quả; chất lượng cán bộ Đoàn khu dân cư không đồng đều, khó về "đầu ra"…
Để tháo gỡ những hạn chế của Đoàn, theo PGS.TS. Phạm Hồng Tung (ĐH Quốc gia Hà Nội), thanh niên cần học tập nhiều hơn nữa để chuẩn bị tốt hơn hành trang tri thức khoa học, tri thức văn hóa và kỹ năng sống và Đoàn phải giúp đắc lực trong vấn đề này. Đoàn cần phải kiện toàn hệ thống tổ chức của thanh niên; tiếp tục đổi mới hơn các hoạt động, khắc phục tình trạng quan liêu, hành chính hóa và cần có thêm những hình thức tổ chức và tập hợp thanh niên khác ngoài hệ thống tổ chức của Đoàn và Hội.
Muốn làm tốt công tác thanh niên thì phải nghiên cứu kỹ về thanh niên, đưa việc nghiên cứu này trở thành một khoa học. Nếu không nghiên cứu kỹ để có những phương pháp ứng xử hợp lý, phù hợp với tình hình mới thì sẽ xuất hiện những trào lưu, lối sống tiêu cực trong một bộ phận thanh niên. Ông Hà Quang Dự, nguyên Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn thêm rằng, Đoàn cần phải tăng cường giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống của dân tộc, văn hóa dân tộc cho thanh niên; giúp cho bộ phận thanh niên tiên tiến vươn lên trở thành bộ phận ưu tú nhất, được định hướng về sự phát triển của dân tộc, của đất nước trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.