Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đòi hỏi đồng bộ chất lượng nhân lực, công nghệ

Hà Phong| 25/11/2016 07:13

(HNM) - Cùng với việc rút ngắn thời gian thực hiện từ 20 ngày xuống còn 5 ngày đối với thủ tục liên thông khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và khai tử, Sở Tư pháp Hà Nội đang hoàn thiện quy trình dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 về đăng ký kết hôn, đăng ký chấm dứt giám hộ và xác nhận tình trạng hôn nhân.


Xác định đây là xu hướng tất yếu nên dù gặp không ít khó khăn nhưng các quận, huyện vẫn rất nỗ lực để bảo đảm đồng bộ chất lượng nhân lực, cơ sở hạ tầng công nghệ.

Cán bộ trực là tuyên truyền viên

Trong các thủ tục hành chính thực hiện DVCTT mức độ 3 tại cấp phường (đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử), nhiều quận đạt tỷ lệ hồ sơ khai sinh trực tuyến rất cao như Long Biên, Nam Từ Liêm.

Thực tế cho thấy, lợi ích mang lại từ DVCTT mức độ 3 là rất lớn. Trong đó, công dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến (online) bất cứ ở đâu có kết nối internet. Thời gian cũng được rút ngắn đáng kể: Thủ tục hành chính liên thông “3 trong 1” cho trẻ dưới 6 tuổi từ chỗ mất 20 ngày giảm xuống chỉ còn 5 ngày; công dân sau khi nộp hồ sơ trực tuyến, chỉ cần đến UBND phường nộp hồ sơ gốc theo giờ hẹn và nhận ngay kết quả. Song qua kiểm tra công vụ đột xuất, không phải nơi nào “thượng đế cũng mặn mà”. Tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, quy trình đăng ký khai sinh - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi online được niêm yết tại từng khu dân cư, phát trên loa phường nhưng giao dịch trực tiếp vẫn phổ biến.

DVCTT mức độ 3 là cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.


Tại phường Điện Biên, quận Ba Đình, thủ tục khai sinh được giải quyết trước hẹn 2 ngày, song cán bộ trực bộ phận “một cửa” cho biết, không phải ai cũng biết DVCTT này. Vì vậy, không chỉ niêm yết công khai thủ tục tại bộ phận "một cửa" của phường, các cán bộ, công chức trực đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực nhất. Từ những lợi ích thấy rõ, số khách hàng trẻ biết sử dụng smartphone, email đăng ký dịch vụ trực tuyến khai sinh, khai tử tăng dần.

Chung nỗ lực giúp người dân làm quen với DVCTT, phường Phú Lãm quận Hà Đông chủ động bố trí một máy tính có nối mạng internet đặt tại bộ phận "một cửa" để người dân đến sử dụng. Phường thành lập tổ tình nguyện gồm 30 bạn đoàn viên thanh niên đã được tập huấn nghiệp vụ đầy đủ, từ sử dụng phần mềm, thao tác trên máy, nắm chắc các thủ tục giấy tờ cần thiết với từng loại dịch vụ công để có thể hướng dẫn công dân một cách chính xác nhất.

Chưa hết khó khăn

Mặc dù tính ưu việt cao, song theo đánh giá của Sở Tư pháp, việc triển khai DVCTT mức độ 3 còn gặp không ít khó khăn với người lớn tuổi và một số người dân lao động, nông dân, vì thực hiện các giao dịch đều trên môi trường internet. Do đó, giải pháp tuyên truyền cần kiên trì thực hiện. Với người cao tuổi, không biết sử dụng máy tính, cán bộ trực sẽ trực tiếp làm cho họ.

Để hình thành thói quen sử dụng DVCTT, Sở Tư pháp tiếp tục cụ thể hóa ba tiêu chí trong công tác cải cách hành chính của Hà Nội. Đó là giảm thời gian giải quyết, giảm số lượt đi lại của công dân và giảm hồ sơ giấy tờ trên nhiều lĩnh vực khác. Bước đầu, Sở đã phối hợp cùng UBND quận Long Biên và Công ty Nhật Cường hoàn thiện quy trình kỹ thuật 2 thủ tục DVCTT mức độ 3: Chứng thực bản sao từ bản chính và cấp bản sao trích lục hộ tịch tại các quận, huyện, thị xã.

Tuy nhiên, phản ánh tại các quận, huyện, thị xã cho thấy việc triển khai tại các địa phương gặp không ít khó khăn do công nghệ. Ngoài việc hạ tầng cơ sở (máy tính, hệ thống mạng, hệ thống kết nối) chưa được triển khai đồng bộ, đáng chú ý, việc số hóa cơ sở hộ tịch chưa được triển khai (mới cho phép UBND quận Long Biên xây dựng đề án và thí điểm thực hiện) nên mỗi lần tìm, nhập dữ liệu rất mất thời gian. Huyện Sóc Sơn đề nghị thành phố hỗ trợ, đầu tư thêm máy móc thiết bị. Chung ý kiến với huyện Sóc Sơn, lãnh đạo các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Ba Vì, Đông Anh, Hoài Đức cũng nhất trí đề nghị thành phố số hóa cơ sở dữ liệu hộ tịch phục vụ công tác lưu trữ và cấp trích lục hộ tịch, hỗ trợ máy tính, máy in, máy quét… để công tác triển khai hệ thống DVCTT diễn ra thuận lợi nhất.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng gặp khó khăn về nguồn nhân lực. Dù đã trải qua lớp tập huấn nhưng khả năng sử dụng công nghệ thông tin của các cán bộ cơ sở vẫn còn hạn chế, nhất là cán bộ lớn tuổi. Bởi vậy, trước mắt nên thường xuyên cập nhật bộ câu hỏi, giải đáp thắc mắc trong quá trình thao tác, triển khai hệ thống DVCTT mức độ 3 lĩnh vực tư pháp trên địa bàn TP Hà Nội gửi về tất cả các xã, phường, quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Về lâu dài, nguồn nhân lực cần trẻ hóa bởi đây là nhóm đối tượng năng động, có khả năng nắm bắt công nghệ thông tin nhanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đòi hỏi đồng bộ chất lượng nhân lực, công nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.