(HNM) - Mới đây, ABBank đã công bố kết quả kinh doanh lỗ trong quý III-2011 do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao. Trước đó, thị trường cũng đã đón nhận thông tin về một số ngân hàng khác có kết quả kinh doanh trong quý III-2011 thấp hơn cùng kỳ năm trước…
Đây là một phần nổi, tuy nhiên nó cũng chứa đựng những thông tin rất đáng để suy nghĩ. Có lẽ vấn đề bức xúc nhất hiện nay là tình trạng nợ xấu và những bất cập trong hệ thống ngân hàng. Cũng vì vậy, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình sẽ đăng đàn tại phiên chất vấn của Quốc hội trong những ngày tới để đưa ra câu trả lời về giải pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, việc bảo đảm vốn cho sản xuất, kinh doanh, giải pháp chống lạm phát…
Hệ thống ngân hàng nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng đang có rất nhiều vấn đề. Việc quản lý thanh khoản có không ít bất cập, chưa kể năng lực quản trị, hệ thống công nghệ, hệ thống quản trị rủi ro yếu kém... Sự tăng trưởng nhanh về quy mô và vốn trong khi các thiết chế quản lý chưa theo kịp đã gây ra hàng loạt vấn đề mà tăng trưởng tín dụng "nóng" là ví dụ điển hình… Một số chuyên gia tài chính cho rằng việc phát sinh quá nhiều ngân hàng thời gian gần đây chính là nguyên nhân khiến thị trường có nhiều biểu hiện không lành mạnh, thậm chí là lý do gốc rễ của lạm phát. Điều này không phải không có lý.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng liên tục tăng (từ mức 2,53% của tháng 8 năm ngoái lên 3,2% tháng 8 năm nay). Con số nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra khoảng 75 nghìn tỷ đồng, chưa kể số nợ của một vài tập đoàn lớn. Trong đó, nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) chiếm tới 47%. Tuy nhiên, con số này chưa thuyết phục được giới tài chính bởi các ngân hàng không áp dụng cùng một chuẩn mực kiểm toán quốc tế nên đánh giá căn cứ trên các con số có thể thiếu chuẩn xác. Dù thế nào đi nữa thì giải quyết nợ xấu vẫn là vấn đề "nóng" hiện nay. Đây thật sự là bài toán khó nhưng nếu chưa tìm ra lời giải, khó có thể nói đến tiến trình tiếp theo của việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại.
Theo Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng là một xu hướng tất yếu và nó mang tính quy luật sau một quá trình phát triển. Tuy nhiên tiến hành ra sao và theo hướng nào không đơn giản. Cũng đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Muốn tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, có người cho rằng trước hết phải giải quyết tình trạng dư nợ bất động sản, rồi tính toán đến các khoản nợ xấu, khả năng thu hồi và xa hơn là bắt đầu một quá trình làm ăn mới… Không nên duy trì các ngân hàng yếu kém về năng lực tài chính và quản lý. Thay đổi điều này có nhiều cách, trong đó có việc các ngân hàng có thể hợp nhất với nhau.
Với thực tế đáng buồn của hệ thống tín dụng hiện nay, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thật sự là đòi hỏi cấp bách. Có lẽ trước mắt nên tiến hành khảo sát, đánh giá mô hình cấu trúc hiện tại của các ngân hàng thương mại, tìm ra những điểm hợp lý cũng như bất hợp lý để xây dựng mô hình cấu trúc mới một cách toàn diện. Điều đó không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các ngân hàng thương mại mà còn góp phần làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, tạo động lực đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. Đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng bắt tay vào cuộc với những chương trình hành động, những việc làm cụ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.