(HNM) - Tại hội nghị triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu năm 2012 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, kim ngạch xuất khẩu ba tháng đầu năm 2012 ước đạt 24,52 tỷ USD...
Đó là những con số đáng mừng khi tình hình kinh tế trong và ngoài nước đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức do sự sụt giảm cả về giá và thị trường của các mặt hàng chủ lực như dệt may, gạo, cà phê…
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Godaco (Tiền Giang).Ảnh: Huy Hùng
Nhiều diễn biến trái chiều
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt 24,52 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng khi xuất khẩu 3 tháng ước đạt 15,37 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ (chiếm tỷ trọng 62,7% tổng kim ngạch xuất khẩu). Nhóm nhiên liệu khoáng sản ước đạt 2,58 tỷ USD, tăng 10%. Trong khi đó, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 4,52 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2011. Điều đáng lưu ý là sự vươn lên của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với kim ngạch tăng đến 43% so với cùng kỳ (đạt 15,54 tỷ USD); trong khi đó khu vực 100% vốn trong nước chỉ đạt 8,98 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ 2011. Có 8 mặt hàng xuất khẩu kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD là thủy sản, cà phê, dầu thô, dệt may, da giày, máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại các loại và linh kiện máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Tuy nhiên, một số mặt hàng chủ lực lại giảm mạnh như: gạo giảm 42,5% cả về lượng và trị giá; cà phê giảm 10% về lượng và 12% trị giá, sắn giảm 10% về lượng và 18,5% về trị giá…
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên đánh giá, xuất khẩu 3 tháng đầu năm có nhiều diễn biến trái chiều. Khủng hoảng kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ Châu Âu dẫn đến kinh tế Mỹ và EU vẫn trong tình trạng trì trệ, thu nhập và tiêu thụ giảm sút, nhập khẩu giảm, đơn hàng giảm đã ảnh hưởng đến xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu có xu hướng giảm sau khi tăng mạnh trong năm 2011 đã tác động không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của các DN. DN đang gặp nhiều khó khăn do đã nhập khẩu nguyên liệu với giá cao năm 2011, không bán được sản phẩm với giá có lãi, dẫn đến tồn kho lớn, ứ đọng vốn cho sản xuất.
Về sự sụt giảm mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, không chỉ Việt Nam mà cả xuất khẩu gạo của Thái Lan cũng sụt giảm 58%, Mỹ giảm 30% do Ấn Độ tung gạo dự trữ ra bán với giá khá cạnh tranh; bên cạnh đó là chính sách mua gạo của các nước như Philippines, Indonesia… có thay đổi. Đối với Việt Nam, khó khăn hiện nay là thị trường đang cần nhiều gạo cao cấp, gạo thơm trong khi sản lượng gạo thấp cấp trong dân rất nhiều. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể khẳng định ngành lúa gạo xuất khẩu vẫn có thể ổn định, lúa trong dân sẽ không ứ đọng và giá sẽ không giảm nữa bởi VFA đã ký được giá trị hợp đồng tăng 20% so với cùng kỳ 2011.
Những vấn đề nóng bỏng cần tháo gỡ
Trong các khó khăn DN đang phải đối mặt thì vốn và lãi suất ngân hàng vẫn là vấn đề "nóng bỏng nhất". Mặc dù lãi suất đã hạ nhưng các DN cho rằng vẫn còn rất cao. Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, lãi suất cho vay cần kéo về mức 12%/năm thì DN mới có thể "cầm cự" được trong tình hình hiện nay. Mặt khác, khả năng tiếp cận vốn vay vẫn là khó khăn của DN xuất khẩu, nhất là các DN nhỏ và vừa.
Một khó khăn mới mà các DN xuất khẩu đang gặp phải là thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) nhận định, thuế bảo vệ môi trường với túi ni lông trong ngành thủy sản là không công bằng, bởi vì đây là bao bì đóng gói sẵn hàng hóa. Hiệp hội Cao su cũng phản ứng vì sản phẩm bao bì bọc cao su cũng bị đánh thuế trong khi bao bì nhựa là một phần của sản phẩm. Các DN đều cho rằng, trong khi các nước lân cận chỉ đánh thuế loại túi màng mỏng có quai thì việc đánh thuế bao bì đóng gói sẵn hàng hóa của Việt Nam đã làm mất lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, dù có kết quả tích cực nhưng với giá trị kim ngạch 3 tháng đầu năm chỉ mới đạt 22% kế hoạch năm và với những khó khăn trong và ngoài nước hiện nay thì để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 13% như Quốc hội đã thông qua là rất khó khăn. Thứ trưởng cũng lưu ý, tỷ lệ nhập siêu được kiềm chế tốt trong 3 tháng đầu năm (khoảng 251 triệu USD, chỉ bằng 1,02% kim ngạch xuất khẩu) bên cạnh mặt tích cực đáng mừng còn có nguyên nhân cần được cảnh báo. Đó là do sự suy giảm nhu cầu đầu tư và tiêu dùng trong nước khiến nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu đã giảm và có thể tác động đến tăng trưởng sản xuất, kinh doanh trong chu kỳ sau. Hiện nhập khẩu các mặt hàng bông, sợi dệt, vải, nguyên liệu sản xuất dệt may, da giày… đang có dấu hiệu chững lại và giảm sút, chứng tỏ DN xuất khẩu đang gặp khó và khả năng xuất khẩu các mặt hàng này có thể giảm trong thời gian tới. Vì vậy, cần phải có sự nỗ lực, cố gắng rất nhiều từ DN. Thứ trưởng cũng cho biết sẽ tổng hợp khó khăn của DN để kiến nghị lên Chính phủ tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là khó khăn về vốn và lãi suất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.