(HNM) - Khủng hoảng dẫn tới nội chiến tại Ukraine đang tạo ra cuộc đối đầu nguy hiểm nhất giữa Nga và phương Tây kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Dấu hiệu về một
Nga cảnh báo đưa các tổ hợp tên lửa đánh chặn Iskander tới Kaliningrad, giáp Ba Lan. |
Ngày 17-6, trong một cuộc họp tại Brussels (Bỉ), đại sứ của 28 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đã nhất trí với việc không chỉ gia hạn mà còn mở rộng các lệnh phạt nhằm vào xứ Bạch dương thêm 6 tháng. Dự kiến đòn trừng phạt này sẽ được chính thức thông qua khi các Bộ trưởng Ngoại giao EU nhóm họp vào ngày 22-6 tới. Nếu được thông qua, các trừng phạt mới sẽ nối dài danh sách cấm đi lại đối với quan chức Nga và tiếp tục hạn chế một số lĩnh vực kinh doanh của người Nga tại Châu Âu. Nước Mỹ cũng sẽ đưa ra động thái tương tự trong vài ngày tới.
Quyết định nêu trên được đưa ra sau khi Lầu Năm Góc công bố kế hoạch triển khai một loạt vũ khí hạng nặng cùng 5.000 quân tới một số quốc gia Đông Âu và Baltic. Nếu Nhà Trắng thông qua, đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai vũ khí hạng nặng tới các nước từng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô, kể từ sau Chiến tranh lạnh. Động thái của Washington được cho là nhằm trấn an các "đồng minh" trước quan điểm quân sự của Nga đối với miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, việc "chú Sam" đưa vũ khí hạng nặng tới sát biên giới Nga sẽ đẩy xứ Bạch dương và phương Tây vào một cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng.
Đương nhiên, Điện Kremlin không dễ dàng ngồi yên để Mỹ và EU "qua mặt". Do vậy, khi Washington triển khai tên lửa và quân đội đến Ba Lan hay Litva sẽ phải tính đến kịch bản Nga tăng cường nguồn lực tới các mặt trận phía tây. Điều này đã được một quan chức Bộ Quốc phòng Nga khẳng định hôm 15-6. Trước tiên, Nga sẽ điều các đơn vị xe tăng, pháo binh và không quân đến gần biên giới Ukraine. Tiếp theo, Mátxcơva sẽ đẩy nhanh kế hoạch triển khai các tổ hợp tên lửa đánh chặn Iskander tại vùng lãnh thổ Kaliningrad giáp Ba Lan và củng cố các đơn vị quân đội đồn trú ở Belarus... Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã tuyên bố sẽ bổ sung thêm hơn 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Những lệnh trừng phạt bổ sung nhằm trả đũa EU và Mỹ cũng đã được Mátxcơva tính đến. Hiện tại, còn quá sớm để dự báo bên nào sẽ giành phần thắng trong cuộc đối đầu dai dẳng giữa phương Tây và Nga. Nhưng bên chịu thua thiệt nhiều nhất thì đã quá rõ, đó chính là Ukraine. Rối loạn chính trị và xung đột kéo dài đã đẩy nền kinh tế "ngôi sao" một thời của Liên Xô cũ đến bờ vực kiệt quệ. Theo thống kê mới nhất, tổng số nợ hiện nay của Ukraine là 50 tỷ USD, trong đó 30 tỷ USD là nợ nước ngoài. Nợ công của Kiev cũng đã chiếm tới 71% GDP của nước này và dự đoán sẽ tăng lên mức 94% GDP vào cuối năm nay. Thời gian tới, Ukraine sẽ phải trả khoản tiền nợ 10 tỷ USD gồm các khoản vay nước ngoài và trái phiếu chính phủ.
Trên thực tế, chính quyền Ukraine đã khởi động các cuộc đàm phán với chủ nợ từ 3 tháng trước, nhưng vẫn chưa mang lại bất kỳ kết quả nào. Lý do nằm ở chỗ, Kiev đòi xóa nợ một phần, trong khi các chủ nợ chỉ đồng ý giãn nợ. Ngày 22-6 tới, Ukraine sẽ phải trả Nga 75 triệu USD - số tiền lãi từ khoản trái phiếu trị giá 3 tỷ USD do Ukraine bảo lãnh phát hành và được Nga mua hồi cuối năm 2013. Nếu không thực hiện được cam kết đối với chủ nợ, nền kinh tế Ukraine vốn đang kiệt quệ sẽ phá sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.