(HNM) - Vốn là xã thuần nông, ngoài cây lúa, cây rau, người dân xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức còn loay hoay tìm hướng thoát nghèo, phát triển kinh tế địa phương. Trải qua nhiều nghề phụ như nuôi ong, trồng dâu nuôi tằm, gần đây người dân Đốc Tín còn có cơ hội vươn lên làm giàu nhờ mô hình trồng nấm.
Về xã Đốc Tín trong những ngày hè oi ả, người dân vừa hoàn thành gieo cấy vụ mùa, thời gian nông nhàn, họ lại bắt tay vào trồng nấm. Chủ tịch UBND xã Đốc Tín Trần Đình Mỳ cho biết: Đất đai trong xã chỉ hợp với trồng lúa, số ruộng trũng phát triển trang trại cũng ít nên người dân muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng hết sức khó khăn. Để cải thiện cuộc sống, người dân Đốc Tín tự mày mò phát triển nhiều nghề phụ khác, trong đó có trồng nấm. Song, do phát triển tự phát, không có kinh nghiệm trong nuôi cấy nấm, khiến năng suất, chất lượng nấm không cao. Năm 2011, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất, chế biến nấm tập trung tại xã với sản lượng dự kiến 200 tấn/năm và phát triển 10 trang trại trồng nấm vệ tinh tại khu vực ngoại thành.
Theo bà Dương Thị Thu Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO, trước kia doanh nghiệp đã xây dựng một số mô hình trồng nấm tại các huyện, nhưng do hạn chế mặt bằng, nguồn nguyên liệu, nên khó mở rộng sản xuất. Nghề trồng nấm phát triển tốt tại các vùng trồng lúa lớn, trong đó xã Đốc Tín là nơi thuận lợi cả về mặt bằng và nguồn nguyên liệu. Theo tính toán, trung bình mỗi vụ lúa, người dân Đốc Tín bỏ phí khoảng 1.700 tấn rơm rạ. Ngoài ra, các xã lân cận cũng sản xuất lúa với diện tích lớn, có thể xây dựng nguồn nguyên liệu vệ tinh cho nông dân.
Chị Đỗ Thị Hiểu, thôn Đốc Tín, xã Đốc Tín cho biết, mỗi năm gia đình cấy hai vụ lúa, rồi làm cả vụ đông, nhưng thu nhập không được là bao. Từ khi mô hình trồng nấm phát triển tại địa phương, thời gian nông nhàn cả gia đình lại bắt tay vào trồng nấm. Trồng nấm không cần nhiều diện tích, vốn đầu tư thấp, kỹ thuật không khó, nhưng lại tạo giá trị cao vượt trội so với nhiều cây trồng, vật nuôi khác. Hiện mỗi ngày Công ty KINOKO sản xuất khoảng mười nghìn bịch nuôi cấy nấm, gồm mộc nhĩ, nấm sò, nấm rơm..., tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho gần 50 lao động và khoảng 30 lao động thời vụ tại Đốc Tín và các xã lân cận. Điều phấn khởi của người dân trồng nấm nơi đây là nguồn nguyên liệu sản xuất, kỹ thuật sản xuất đều được công ty hướng dẫn, cung cấp. Sản phẩm làm ra được doanh nghiệp thu mua, nông dân không phải tự bán, tự tiêu thụ như trước kia, giúp họ yên tâm sản xuất.
Theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Bộ NN&PTNT triển khai thì việc khai thác, tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp đang được ưu tiên và là hướng phát triển mới của ngành nông nghiệp. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho biết, thực hiện chủ trương của bộ, ngành nông nghiệp Hà Nội đang xây dựng các mô hình sản xuất tận dụng các nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp. Đặc biệt với trên 120 nghìn héc ta đất trồng lúa, mỗi năm Hà Nội có nguồn rơm, rạ dồi dào cần được tận dụng mà trồng nấm là một nghề phù hợp. Ngoài ra, nấm đang là nguồn thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, mỗi ngày Hà Nội nhập khẩu khoảng 10 tấn nấm, chủ yếu là từ Trung Quốc. Nếu biết phát huy nguồn nguyên liệu và khai thác thị trường, chắc chắn nghề trồng nấm sẽ không chỉ "bén duyên" với đồng đất Đốc Tín, mà còn là cây trồng làm giàu của nhiều địa phương khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.