Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dốc sức ứng cứu các nơi xung yếu

Nhóm PV Hànộimới| 18/07/2010 06:31

Đề phòng lũ quét, sạt lở đất

* Hải Phòng quyết liệt bảo vệ đê biển. Gần 1.400 tàu thuyền của Thái Bình về nơi trú bão an toàn. Sạt lở 7km đê biển tại Nam Định 
* Bão Côn Sơn vẫn diễn biến phức tạp. Các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ sẽ có mưa lớn.


Đề phòng lũ quét, sạt lở đất

Tối qua (17-7), bão số 1 chính thức đổ bộ vào đất liền sau nhiều ngày quần thảo ngoài biển Đông. Người dân ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An đã có một đêm không ngủ để chống chọi lại sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai. Thống kê mới nhất đến 22 giờ đêm qua đã có nhiều tàu thuyền, nhà cửa, trường học, trạm xá, công trình công cộng, diện tích hoa màu ở các địa phương bão quét qua bị tàn phá, hư hỏng. Có mặt tại tâm bão Hải Phòng, PV Hànộimới đã ghi nhận những thiệt hại ban đầu khi bão quét qua đây.

Khẩn trương đưa phương tiện lên bờ an toàn tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN


Ghi ở "tâm bão" Hải Phòng
 Ngay từ chiều 17-7, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An đã có mưa vừa đến mưa to, gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7. Đến khoảng 18 giờ tối, bão chính thức tiệm cận đất liền, tâm bão tiến thẳng vào TP Hải Phòng và Nam Định. Với sức gió mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13, bão Côn Sơn trở thành cơn bão đầu tiên ảnh hưởng đến nước ta trong năm nay. Cường độ bão thay đổi liên tục, số liệu đo tại trạm Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) cho thấy tâm bão đi qua đây gió mạnh cấp 12, cấp 13 nhưng giật đến cấp 17. Gió mạnh kèm theo mưa đã làm bật nhiều gốc cây ven đường, cành cây ngổn ngang; nhiều tuyến đường dây điện dọc các tuyến phố bị đứt gây mất điện cục bộ, nhiều biển quảng cáo, lều lán bị tốc mái, sụp đổ. Ở khu nuôi trồng thủy sản của quận Dương Kinh và huyện Kiến Thụy nước dâng lên sát mép bờ. Tại khu du lịch Đồ Sơn, sóng biển cao trên 10m, một số tuyến đường ven biển đã bị ngập do sóng dồn dập đánh vào bờ. Ghi nhận tại làng Thủy Giang nằm sát tuyến đê biển số 1, tài sản của 84 hộ với 387 nhân khẩu đã được di chuyển đến nơi an toàn.

Tại quận Dương Kinh, nơi có tuyến đê biển số 1 được đánh giá là xung yếu trên địa bàn thành phố, các lực lượng dồn sức hoành triệt các cống C2, C3 và C4 và bảo vệ 15km đê ngay khi bão đang hoành hành. Ông Trần Trung Hiếu, Chánh Văn phòng UBND quận Dương Kinh cho biết, ở mỗi cống huy động gần 200 người thả rọ đá, bao cát để lấp cửa cổng. Đây là các công trình đang xây dựng dở dang, được trung ương và địa phương đặc biệt quan tâm. Tại cống C4 (cống Cầm Cập), hơn 100 người dân địa phương và các lực lượng quân đội vận chuyển 3.000 bao cát, 150 rọ đá và lượng đá hộc thả xuống cửa cống ngăn chặn những cơn sóng lớn dồn dập quật vào cửa cống. Đêm 17-7, quận Dương Kinh huy động tổng lực giữ an toàn cho tuyến đê này và cống C2, C3 và C4.

Dân quân tự vệ thôn Mỹ Điền, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa dùng bao cát chắn cửa máy bơm nước phòng khi nước sông dâng cao.  Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN


Đến 22 giờ tối qua, trao đổi với Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Đỗ Trung Thoại cho biết, thiệt hại ban đầu có 1 người bị thương tại khu vực nội thành; gãy đổ 1 cẩu hàng, tốc mái nhà của Ban quản lý âu cảng Bạch Long Vỹ và 1 trường học, 2 nhà dân tại huyện đảo Cát Hải; hơn 1.000 cây xanh bật gốc. Đáng chú ý, 14 người trên 4 tàu neo đậu tại vụng Gia Luận, huyện Cát Hải bị lật thuyền đã được đưa về nơi an toàn; một bè cá tại huyện Thủy Nguyên đã bị sóng to đánh trôi dạt và mất liên lạc. Sau gần 2 tiếng đồng hồ, các lực lượng cứu hộ đã tìm được và cứu sống 3 mẹ con chủ bè. "Đêm 17-7, lực lượng công an, quân đội và lực lượng tại chỗ sẽ ứng trực 100% để bảo vệ đê biển và ứng phó với tình huống mưa lớn có thể xảy ra. Tại 2 huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải được đánh giá là thiệt hại nặng nhưng đang bị chia cắt nên chưa có con số thống kê chính thức"- ông Đỗ Trung Thoại nói.

Mưa lớn trên diện rộng
Tỉnh Thái Bình, trước khi bão đổ bộ vào đã cưỡng chế, di dời hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống và nuôi trồng thủy sản ở ven biển vào trong đê tránh trú bão. Gần 1.400 tàu thuyền cũng đã về nơi trú bão an toàn. Tỉnh Nam Định, tuyến đê Cổ Vậy, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy đã xảy ra sạt lở đê biển. Đoạn đê dài hơn 7m, rộng hơn 4m (khoảng 30m2) bị sạt lở. Đồn Biên phòng 88 ngay lập tức cử 20 cán bộ, chiến sĩ cùng 50 dân quân xã Giao Phong đến khắc phục sự cố. Tại tỉnh Thanh Hóa, đến 19 giờ tối qua, nhiều nơi đã bắt đầu có mưa nặng hạt. Tổng lượng mưa phổ biến trong khoảng 50 - 60mm, một số nơi trên 100mm như TP Thanh Hóa, Hậu Lộc... Để ứng phó với cơn bão Côn Sơn và hoàn lưu sau bão, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, các vùng cửa sông, ven biển ở đồng bằng, miền núi phải triển khai ngay các phương án phòng chống lũ quét, lũ ống, lở đất, sẵn sàng phương án tiêu úng tại vùng trũng thấp.

Tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Ảnh: Viết Thành

Tại tỉnh Quảng Ngãi, có 28 tàu/359 ngư dân đang trú bão Côn Sơn ở quần đảo Hoàng Sa. Trong đó, 6 tàu bị nạn (4 tàu bị chìm và 2 tàu mắc cạn), 71 ngư dân đã được cứu vớt, 6 người còn đang mất tích. Hiện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đang chỉ đạo các đồn biên phòng kiểm soát tàu thuyền ra khơi và phối hợp với các máy ICOM cộng đồng thông báo diễn biến tình hình tiếp tục tìm kiếm, cứu nạn, thường xuyên duy trì thông tin liên lạc với các tàu thuyền trên biển.

Về diễn biến của cơn bão khi đi sâu vào đất liền, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, do mắt bão rộng, có đặc điểm hệ thống mây phía Nam dày hơn phía Bắc nên sau bão sẽ có 2 vùng mưa với lượng mưa lớn là khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc bộ như Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam và Hà Nội; vùng thứ hai là khu vực miền núi phía Bắc. Theo đó, mưa ở khu vực đồng bằng Bắc bộ phổ biến từ 200-300mm, khu vực miền núi phía Bắc lưu vực sông Đà, sông Thao mưa lớn có thể lên trên 300mm. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, sau bão đổ bộ, bắt đầu từ hôm nay 18-7, các tỉnh, thành phải chuyển sang đối phó với ngập úng và sạt lở đất, vùng bão đi qua chuyển sang khắc phục hậu quả của bão.

Lực lượng cứu hộ sẵn sàng ứng phó với các diễn biến xấu có thể xảy ra trong cơn bão. Ảnh: Viết Thành


22 giờ tối qua tại Hải Phòng trời đã ngớt mưa nhưng tiếp tục có những đợt gió giật quay lại với cường độ mạnh, phức tạp. Nhóm PV Hànộimới sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin diễn biến cơn bão này.

Công điện khẩn của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn

Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão TƯ và Ủy ban Quốc gia TKCN yêu cầu Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố:
1. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1199/CĐ-TTg ngày 16-7-2010.
2. Đối với tỉnh Quảng Ninh, căn cứ vào tình hình thực tế, Trưởng ban Chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh quyết định sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm bảo đảm an toàn.
3. Chủ động đối phó với tình trạng mưa lớn gây ngập úng; đặc biệt là thành phố Hà Nội nơi được dự báo là có lượng mưa lớn.
4. Chỉ đạo các lực lượng thường trực, cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
5. Các tỉnh miền núi phía Bắc rà soát lại công tác chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ đề phòng mưa lũ gây chia cắt; chủ động triển khai việc di dời dân ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
6. Theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão, mưa lũ để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống, báo cáo về Ban Chỉ đạo PCLB TƯ và Ủy ban Quốc gia TKCN.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dốc sức ứng cứu các nơi xung yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.