Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dốc sức khắc phục hậu quả mưa lũ

Kim Văn| 08/11/2017 06:57

(HNM) - Hoạt động ứng phó mưa lũ, khắc phục hậu quả bão số 12 đang được các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên dốc sức thực hiện. Chiều 7-11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến TP Đà Nẵng kiểm tra tình hình và thăm hỏi một số gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề do cơn bão trên địa bàn huyện Hòa Vang.


Chủ tịch nước cho rằng tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp, nước lũ có thể còn dâng cao, vì vậy chính quyền huyện cần tiếp tục chỉ đạo các xã theo dõi, không được chủ quan; chính quyền địa phương sau khi nước rút, phải tập trung khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất - sinh hoạt.

Cũng chiều 7-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Tại đây, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cùng bộ, ngành chức năng huy động mọi lực lượng, nhất là quân đội, công an, thanh niên và nhân dân chủ động khắc phục hậu quả mưa bão để sớm ổn định sản xuất, sinh hoạt của người dân...

95 người chết và mất tích, thiệt hại nặng về tài sản

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã huy động lực lượng khôi phục hệ thống cấp điện cho các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chuyển tải hành khách bằng ô tô và đang khẩn trương sửa chữa, dự kiến thông đường trước ngày 9-11. Các địa phương vừa tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ vừa tổ chức sơ tán nhân dân vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn…

Theo Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, do trời tiếp tục có mưa, các hồ thủy điện, thủy lợi mở cửa xả nên ngày 7-11, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế còn 70.249 ngôi nhà bị ngập từ 0,2 đến 0,8m; tỉnh Quảng Nam còn 82 xã, phường, thị trấn thuộc Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Bắc Trà My, Hội An, Nam Trà My, Nam Giang, Tiên Phước, Thăng Bình, Quế Sơn, Tam Kỳ bị ngập sâu trung bình từ 0,5 đến 1,0m. Tỉnh Quảng Ngãi còn 53 xã, phường thuộc 8 huyện, thành phố bị ngập là Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Hà, Quảng Ngãi. Tỉnh Bình Định còn 12 xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố bị ngập sâu từ 0,5 đến 1,0m là Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Ân, An Lão, Quy Nhơn. Tỉnh Phú Yên còn 7.787 ngôi nhà bị ngập ở các huyện Tuy An, Đồng Xuân...

Cập nhật tình hình thiệt hại, Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết: Đến thời điểm này, bão số 12 đã làm 72 người chết, 23 người mất tích; 1.484 ngôi nhà bị sập đổ, 119.222 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; 22.549ha lúa, hoa màu bị ngập, thiệt hại; 24.942 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản bị vỡ, cuốn trôi… Ngoài ra, mưa lũ đã gây nhiều sự cố công trình thủy lợi, lưới điện, giao thông đường bộ, đường sắt tại tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế…

Nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng diện rộng

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, trên vịnh Thái Lan đang xuất hiện áp thấp nhiệt đới. Dự báo đến 13h ngày 8-11, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực phía Đông Vịnh Bengan; sức gió vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ nay đến hết ngày 8-11, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam tiếp tục có mưa vừa, mưa to; riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế có mưa rất to. Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi có nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng tại vùng trũng thấp. Một số huyện thuộc tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Kon Tum có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất…

Trước tình hình trên, ngày 7-11, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 87/CĐ-TƯ yêu cầu các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi kiên quyết di dân tại các vùng thấp trũng ven sông, vùng có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn; đồng thời, tập trung lực lượng, phương tiện để cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích; khẩn trương khắc phục các sự cố đối với hệ thống lưới điện, giao thông; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để chủ động triển khai phương án ứng phó; vệ sinh môi trường tránh phát sinh dịch bệnh; rà soát để kịp thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu nhất là tại các khu vực bị thiệt hại nặng nề, các khu vực bị chia cắt, kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống.

Đặc biệt, trong vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi phải tuân thủ đúng quy trình, bảo đảm an toàn công trình, hạn chế ngập lụt cho hạ du, bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước; triển khai phương án bảo đảm an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Tổ chức phân luồng giao thông, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện ứng phó với nước lũ…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dốc sức khắc phục hậu quả mưa lũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.