Đúng dịp Hà Nội tổ chức kỷ niệm
Sách 340 trang, khổ 13x20,5cm, gồm 3 phần, trong đó phần "chính văn" nói về phố Khâm Thiên xưa và nay gói trong 100 trang sách. 100 trang ấy được viết theo lối ký sự, đưa người đọc thăm các thôn làng cũ thuộc tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (giờ thuộc đất hai phường Thổ Quan và Khâm Thiên).
Chương I "Mấy độ bể dâu" nói khá kỹ về sự thay đổi địa danh của phố Khâm Thiên trong suốt chiều dài lịch sử, mà theo tác giả thì có lẽ ở Thủ đô ta ít có phố còn giữ được nhiều tên ngõ phố cổ kính như Khâm Thiên. Đó là Trung Tả, Văn Chương, Thổ Quan, Tương Thuận, Trung Tiền, Cống Trắng… Ngõ Thổ Quan còn địa danh nói về đồn lũy của ba anh em họ Đào, tướng tài thời Hai Bà Trưng, đã chiến đấu và hy sinh tại đất này. Ngõ 280 có chùa Linh Ứng là nơi đặt cốt để đúc tượng Phật nặng hơn 10 tấn ở chùa Ngũ Xã. Qua ngõ 308, nhớ gánh xiếc của Tạ Duy Hiển…
Từ hơn 70 năm nay, người Hà thành nói đến Khâm Thiên là nói đến nghề hát ca trù. Vào lúc cực thịnh, số ca quán của Khâm Thiên lên đến 40, tập trung ở nửa đầu phố từ ngõ Tương Thuận đến chùa Liên Hoa. Đây là cái nôi của ca trù Hà Nội, là nơi hành nghề của các đào nương Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm, Phó Thị Yến, Quách Thị Hồ… Trong nhiều năm, Khâm Thiên là nơi đi về của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như Trần Tuấn Khải, Nguyễn Xuân Khoát, Phùng Bảo Thạch. Thâm Tâm, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân. Là người sống ở phố Khâm Thiên vào thời "cao trào" của hát ca trù, nên Giang Quân có cảm xúc và có đủ tài liệu để nghiên cứu khá sâu về môn nghệ thuật độc đáo này, từ miêu tả nhạc cụ, tài năng của nghệ nhân đến các văn sĩ viết lời ca. Tình yêu thiết tha của ông với ca trù đã được thể hiện khá nhuần nhuyễn trong chương IV "Cái thú ả đào" và Chương V "Sênh phách một thời".
Nhưng thật không ngờ, cái phố cầm ca nổi tiếng ấy đã trở thành mục tiêu của B52 vào lúc 22h45 ngày 26-12-1972. Ba khối phố bị xóa sổ, 354 ngôi nhà bị sập, 283 người chết, 265 người bị thương… Vào giây phút đau thương đó, tác giả cùng một số nhà văn, nhà thơ đến đây lấy tài liệu viết báo, làm thơ tố cáo tội ác quân thù. Phần III của cuốn sách "Khâm Thiên trong chớp lửa bom chùm" in bài viết của các nhà văn, nhà thơ Ngô Văn Phú, Hà Đình Cẩn, Hồ Minh Hà, Nguyễn Sĩ Chung, Nghiêm Đa Văn, Nguyễn Đỗ Lưu…
Đọc "Khâm Thiên - Gương mặt cuộc đời", thấy rõ con chữ của Giang Quân thể hiện cảm xúc của một nhà thơ nên văn chương nhẹ nhàng mà dễ thấm. Bởi, "Là người chứng kiến tất cả những sự kiện, những biến động diễn ra trên phố Khâm Thiên, tác giả đã trải lòng mình trên từng trang viết với những tình cảm đau thương, nhưng rất đỗi tự hào về phố Khâm Thiên anh hùng của Thủ đô anh hùng (trích "Lời giới thiệu" của PGS-TS Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.