Nhập hàng trăm gốc phong từ Nhật Bản để phục vụ thú chơi mới lạ của người Việt là quyết định táo bạo, có chút liều lĩnh của anh Nguyễn Phú Cường (Hà Nội).
Cây phong được nhiều người Việt Nam biết tới qua những hình ảnh đặc trưng khi vào thu tại các nước ôn đới như Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu,... Điểm đặc biệt là lá phong đồng loạt nhuộm một màu đỏ ở các cánh rừng hay công viên. Nhiều người mê mẩn sắc đỏ, vàng đặc trưng này, ước ao giá Việt Nam cũng có một rừng phong đỏ rực như thế.
Biết được sở thích này, cách đây 3 năm, anh Nguyễn Phú Cường (Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội) quyết định nghiên cứu, tìm đặc điểm sinh vật học của loài cây này. Nhưng tìm hiểu sách vở không bằng chăm sóc thực tế, thế nên, anh Cường quyết định nhập về một lượng cây nhất định, bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức và dồn cả tâm huyết để chăm sóc.
Cây phong nhập từ Nhật Bản về trồng tại Việt Nam. |
Tất nhiên, anh cũng không ít lần vấp phải những thất bại. Qua 3 năm, anh rút ra được rất nhiều kinh nghiệm chăm sóc để cây phong có thể sống và tồn tại trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như ở Việt Nam.
Hiện anh Cường đang duy trì và nhân rộng mô hình cây phong trồng trong chậu. Người chơi có thể trồng theo phong cách Bonsai hoặc trong vườn nhà. Nếu trồng cây phong trong vườn, việc chăm sóc không cầu kỳ như trồng trên chậu vì rễ cây sẽ tự tìm nơi có ẩm để tồn tại, còn trồng trong chậu người chơi phải chau chuốt, thường xuyên tưới nước hơn.
Cây phong vốn phù hợp với khí hậu lạnh, nhưng theo anh Cường, khi trồng ở Việt Nam không nên băn khoăn nhiều về nhiệt độ, không nhất thiết bắt chúng sống đúng với khí hậu tại nước bản địa. Chỉ cần tưới và chăm sóc ở trong bóng mát là đủ.
“Cây phong có thể sống khỏe ở nhiệt độ từ 25 đến 35 độ C, nhiệt độ thấp hơn nữa thì càng tốt. Cây có thể chịu khô, ẩm, ngập úng. Vì vậy, nên trồng phong ở nơi vừa có bóng mát, vừa có ánh nắng mặt trời, ngày tưới 1-2 lần. Vào mùa hè, nếu nhiệt độ ngoài trời lên 40 độ C phải đưa cây vào trong bóng mát, lúc này bắt buộc phải tưới nước 3-4 lần/ngày”, anh Cường cho hay.
Giống như nhiều loài cây cảnh khác, cây phong cũng có hoa có quả, nhưng người chơi phong thường chơi lá là chính. Với cây phong anh Cường đang trồng thì cho lá đỏ quanh năm, nếu như biết chăm sóc.
“Lá non thường sẽ đỏ, khi lá già chuyển dần sang màu xanh, người chơi có thể ngắt đi để cây ra lá non. Làm vậy, cây phong sẽ luôn có màu đỏ, bởi khi về Việt Nam cây không đổ màu lá đỏ vào mùa thu như khí hậu vùng ôn đới. Đây là cách chơi phong hợp với khí hậu Việt Nam mà tôi đúc kết được”, anh Cường chia sẻ.
Phong có thể trồng trong chậu hoặc trồng ngoài sân vườn. |
Theo anh Cường, đa số người chơi phản ảnh cây phong ban đầu phát lớn chậm, nhưng được anh tư vấn đã phát triển tốt. “Tất cả là do chăm sóc cây không đúng như những gì mình tư vấn dẫn đến cây còi cọc, khô héo,... ”, anh Cường bật mí.
Đơn cử, anh Đinh Ngọc Hướng (Hà Đông, Hà Nôi) - một người yêu thích cây phong từ lâu - chỉ biết tới loài cây lá đỏ này mỗi khi mùa thu đến ở các nước vùng ôn đới, thông qua phim ảnh. Từ khi biết anh Cường trồng được cây này ở Việt Nam, anh Hướng mua thử vài cây về trồng trong sân nhà.
Sau một thời gian, cây phong có những biểu hiện như lá bị xoăn và héo dần. Mỗi lần như vậy, anh Hướng đều nhờ anh Cường tư vấn chăm sóc. Hiện nay, những cây phong của anh Hướng đang sống rất khỏe và luôn cho ra lá đỏ.
“Chỉ cần chụp ảnh gửi cho anh Cường, nhìn qua anh ấy đoán ngay cây bị bệnh gì và có cách giải quyết. Thường là cây đang bị thiếu nước, hay để cây ở nhiệt độ cao”, anh Hướng cho hay.
Hiện có hàng nghìn loài phong khác nhau, riêng trong vườn nhà anh Cường có tới vài trăm loài, có loại lá 5 thùy, lá 7 thùy,... trên mỗi thùy lá có hình răng cưa. "Người chơi không nên thất vọng vì cây phong không đổ màu đỏ vào mùa thu như các vùng ôn đới, nhưng kéo lại, lá phong hình dạng rất đẹp. Hơn thế, nếu biết cách chăm sóc lá sẽ luôn ra màu đỏ" - anh Cường nói.
Muốn cho cây phong phát triển tốt, cần có đất riêng nhập từ Nhật. |
Chơi phong đẹp ở lá là chính. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.