Tháng Giêng, lễ hội rộn ràng khắp mọi miền đất nước, tuy nhiên hiếm có nơi đồ tế lễ dâng lên đình làng lại là một chú lợn khá to đã làm thịt đặt trên kiệu sơn son thiếp vàng như lễ hội truyền thống ở xã La Phù, huyện Hoài Đức (Hà Nội).
Truyền thuyết kể rằng: Một danh tướng thời Hùng Vương thứ 18, sau chiến thắng giặc ngoại xâm trở về, dân làng mổ lợn khao quân. Từ đó hình thành lễ hội và cho đến ngày nay dân làng La Phù vẫn giữ nét truyền thống mỗi xóm dâng lễ bằng một "ông lợn" đã thịt để nguyên cả con và một mâm xôi nếp. "Ông lợn" dâng tế phải là loại lợn giống to, khỏe mạnh, được chăm sóc trong điều kiện đặc biệt (ăn cháo gạo, nằm trong chuồng sạch, sáng được rửa mặt, đêm lạnh được sưởi ấm...). Khi mổ dâng tế, "ông lợn" phải nặng 200kg trở lên, hoàn toàn khỏe mạnh.
Quy trình mổ "ông lợn" khá cầu kỳ. Sau khi làm lông sạch sẽ, "ông lợn" được đặt trên mền chăn bông mới để mổ, rồi đưa lên kiệu để trang trí. Những người khéo tay dùng hai lá mỡ kéo ra phủ kín tấm lưng, gắn hoa, tai, mắt bằng giấy. Hoàn tất việc sắp lễ, các đoàn tế rước "ông lợn" vào đình trong tiếng nhạc bát âm, điệu múa sanh tiền, tiếng trống chiêng múa lân, múa rồng. Cuộc tế lễ diễn ra trong đình làng suốt nhiều giờ. Sau khi tế lễ xong "ông lợn" được chia cho từng hộ trong xóm ăn để lấy may, tùy theo số gia đình ở mỗi xóm nên số tiền đóng góp giúp gia chủ nuôi lợn cả năm cũng khác nhau.
Về La Phù vào ngày lễ hội năm Nhâm Thìn thấy cách tổ chức lễ hội chu đáo, trật tự, không có các trò cờ bạc trá hình, ai nấy đều vui tươi mới biết nét đẹp văn hóa truyền thống ở làng cổ La Phù đáng quý và đáng trân trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.