Theo dõi Báo Hànộimới trên

Độc đáo ca trù Chanh Thôn

Bạch Thanh| 10/06/2012 07:22

(HNM) - Về Chanh Thôn (xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên) đúng mùa lúa chín, bên cạnh những con đường bê tông to đẹp, thông thoáng, cổng làng sừng sững đón chào những người con đi rồi lại về. Ở đây vẫn còn những con ngõ nhỏ phủ đầy rêu phong, với những nếp nhà giản dị trải qua nhiều tháng năm.



Phó Chủ tịch UBND xã Văn Nhân Vũ Văn Hoàng khẳng định chắc nịch: Giữa những chật chội của các dòng nhạc hiện đại đang ganh đua trên thị trường, âm nhạc truyền thống chèo, ca trù vẫn âm thầm chảy giữa cuộc sống gấp gáp, bộn bề ở mảnh đất Văn Nhân này dù có lúc tưởng đã thất truyền. Mỗi dịp địa phương tổ chức liên hoan văn nghệ, làng trên xóm dưới đi xem vui như trẩy hội, còn đông và khí thế hơn rất nhiều các đoàn ca kịch ở thành phố về biểu diễn. Anh Hoàng nói đầy tự hào: Đầu thế kỷ XIX, nho sĩ Nguyễn Văn Đỉnh đã chọn làng Chanh Thôn làm nơi sinh cơ lập nghiệp. Vốn là kép đàn cừ khôi của một giáo phường lớn, nên cụ Đỉnh đã truyền đàn và hát ca trù cho tất cả con cháu. Ca trù trở thành nghiệp kiếm sống của dòng họ. Lúc đó, làng có khoảng hơn 20 người theo nghiệp ca trù, đàn hát ở nhiều nơi có tiếng và thường đưa đào kép là con cháu, chị em trong họ đi theo. Vào những năm 1937-1944, các nghệ nhân trong làng đã mở một số ca quán ở vùng Đông bắc Bắc bộ. Và ở đây đã xuất hiện không ít đào nương mặn mà với giọng hát mê đắm lòng người. Ca trù làng Chanh Thôn đã trở thành một thương hiệu có tiếng. Làng có cụ Nguyễn Thị Ước từng được triều đình mời vào cung đình Huế hát tiến vua và các quan lại hàng tháng liền. Rồi trong dòng chảy của thời gian, có lúc ca trù Chanh Thôn đã ngưng lại, rồi "ngủ quên", chỉ thi thoảng mấy nghệ nhân làng lưu luyến vẫn hát cho nhau nghe trong niềm nhớ tiếc khôn nguôi. Dẫu vậy tiếng phách giòn, tiếng hát vừa có vẻ đẹp khuôn phép của nhà nghề, vừa có chút ngẫu hứng nghệ sĩ của các đào nương vẫn còn mê đắm lòng người. Năm 2006, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian cho 3 cụ trong làng là cụ Vũ Văn Khoái, Nguyễn Thị Vượn, Nguyễn Thị Khiếu, đồng thời công nhận Nghệ thuật hát ca trù làng Chanh Thôn là Địa chỉ Văn hóa dân gian của hội.

Ông Vũ Quốc Đạt, Bí thư Chi bộ Chanh Thôn cho hay, làng chỉ có hơn nghìn nhân khẩu với 350 hộ nhưng phong trào văn hóa, văn nghệ ở đây khá sôi nổi. Các CLB hát chèo, ca trù… lần lượt ra đời thời gian qua thực sự làm sống dậy đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Sau những ngày mùa vụ gấp gáp, rời các cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, người Chanh Thôn lại đắm mình trong các điệu hát của các nghệ sỹ làng. Hát ca trù đã khó nhưng để thế hệ trẻ nối nghiệp càng khó hơn. Ngay sau khi được công nhận là Địa chỉ Văn hóa dân gian, các nghệ nhân như cụ Khướu, cụ Vượn cùng kép đàn là cụ Khoái cùng đứng ra tổ chức, truyền nghề cho thế hệ trẻ. Lớp học chia thành hai nhóm, phù hợp với từng lứa tuổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học viên. Các cháu nhỏ vừa có thể tham gia học hát, vừa bảo đảm việc học chữ. Từ khi thành lập đến nay, lớp học luôn duy trì được khoảng 30 học viên. "Giờ chúng tôi tuổi đã xế chiều, sức khỏe giảm sút nhưng thấy các cháu đang chăm chú theo học nên càng phải cố gắng truyền dạy. Thấy các cháu tiến bộ từng ngày lại thấy vui lên nhiều, bởi nghệ thuật ca trù Chanh Thôn sẽ không bị thất truyền", nghệ nhân Nguyễn Thị Vượn thổ lộ.

Cụ Vượn còn lưu giữ được nhiều bí quyết ca trù, dù đã cận kề 90 tuổi, ngồi bên giàn hoa thiên lý thơm nức, trò chuyện với tôi, cụ bảo, hát ca trù vô cùng khó, mồm hát, tay gõ phách, tai nghe đàn. Phách phải theo đàn, cái nọ phải theo cái kia, đàn phải theo hát… cứ liên quan đến nhau và phải ăn khớp với nhau, lỗi một nhịp thì hỏng. Cụ Vượn bảo, nếu ai không có năng khiếu thì học ca trù khó lắm. Nhưng nếu ai có năng khiếu mà không chịu học hỏi, luyện tập cũng khó thành nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo ca trù Chanh Thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.