(HNMO) - Ngày 20-11, Bam giám hiệu Trường Đại học Đà Lạt đã trao bằng Tiến sĩ danh dự cho doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - Imex Pan Pacific Group.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn (trái) nhận bằng Tiến sĩ danh dự tại trường Đại học Đà Lạt |
Ngày 20-11, Trường đại học Đà Lạt tổ chức lễ kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam và trao bằng tiến sĩ danh dự cho doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương (IPP). Ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn có tên Nguyễn Hạnh, 60 tuổi, sống tại TP Nha Trang, quốc tịch Mỹ. Hiện ông là uỷ viên Hội đồng Trường Đại học Đà Lạt. Với cương vị này, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã có tiếng nói quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển các chính sách, chiến lược ảnh hưởng sâu rộng đến nhà trường.
Theo Hiệu trưởng Trường đại học Đà Lạt, PGS.TS Nguyễn Đức Hòa, ông Johnathan Hạnh Nguyễn là cá nhân đầu tiên được trao tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự của Đại học Đà Lạt vì những cống hiến cho trường. Trường trao bằng Tiến sĩ danh dự nhằm tôn vinh, ghi nhận công lao của các nhà hoạt động chính trị, xã hội, doanh nhân có uy tín quốc tế, các nhà giáo, nhà khoa học là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và khoa học của Trường ĐH Đà Lạt nói riêng và cả nước nói chung.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tặng hoa chúc mừng ông Johnathan Hạnh Nguyễn |
Ngoài vai trò là một doanh nhân, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn là Ủy viên Hội đồng Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu”. Nhiều năm qua, với vai trò là Ủy viên Hội đồng của Trường đại học Đà Lạt, ông đã đóng góp ý tưởng, vật chất giúp thay đổi diện mạo, uy tín cho trường. Ông đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và Huân chương Hữu nghị.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, ông vô cùng xúc động đón nhận bằng danh dự của Trường đại học Đà Lạt trao tặng. Là một Việt kiều, ông luôn mong muốn hướng về Tổ quốc Việt Nam để đóng góp cho quê hương. Năm 1985, ông đã tham gia đàm phán, thúc đẩy ký kết Hiệp định Hàng không giữa Việt Nam và Philippines. Từ năm 1996 đến nay, IPP đã đầu tư tại Việt Nam hơn 47 dự án với tổng số vốn hơn 455 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 22.000 lao động. Đặc biệt, IPP quan tâm tham gia công tác xã hội, từ thiện như xóa đói, giảm nghèo, văn hóa, giáo dục ở những vùng sâu, vùng xa trên cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.