Trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước cơ hội và thách thức đan xen, đội ngũ doanh nhân thành phố Hồ Chí Minh luôn vững tin vào chính mình, đồng thời kỳ vọng vào cơ chế, chính sách mới của thành phố để phát triển bứt phá.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, nhiều doanh nhân tại thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ niềm tin về sự phục hồi của nền kinh tế và sự kỳ vọng vào cơ chế đặc thù mới của thành phố.
Nam doanh nhân tự tin
Nhà sáng lập và điều hành Công ty TNHH Liên kết thương mại toàn cầu (sở hữu thương hiệu cà phê trái cây Meet More) Nguyễn Ngọc Luận kỳ vọng Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp thành phố có nhiều chủ động và giải pháp phù hợp với từng nhóm ngành và lĩnh vực, từ đó tạo đà phát triển cho thành phố hơn nữa.
“Hiện nay, để vực dậy kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, cần có các chính sách cụ thể để hỗ trợ những nhóm doanh nghiệp sản xuất, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ từ việc tiếp cận nguồn vốn, lãi suất, tạo ra cơ chế lâu dài và ổn định cho nhóm doanh nghiệp này để phát triển. Mong muốn lớn nhất của đội ngũ doanh nhân chúng tôi là thành phố cũng tạo ra một cơ chế đặc thù riêng cho doanh nghiệp để phát triển, hạn chế các thủ tục, phiền hà...”, doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận chia sẻ.
Cùng quan điểm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Fiore Group (Quỹ đầu tư toàn cầu) Phan Hùng Dũng bổ sung: “Trên thế giới và Việt Nam cũng vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải biết phối hợp và tận dụng những lợi thế, nguồn lực sẵn có để có thể nắm bắt các cơ hội và phát huy nội lực”.
Còn Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông trại toàn cầu (Global Farm) Huỳnh Hiếu cho biết, trong 15 năm trở lại đây, thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu chuyển hướng sang đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, hướng đến sản xuất chất bán dẫn. Chính chất xám đó mới tạo động lực, tạo đòn bẩy, sức bật đủ lực để thành phố cất cánh.
Kỳ vọng vào quyết sách mới của thành phố khi có cơ chế đặc thù vượt trội, doanh nhân Huỳnh Hiếu mong muốn chính quyền thành phố quan tâm đến các chính sách kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn trung và dài hạn.
“Thành phố cần tạo cơ chế, chính sách thu hút lao động, đào tạo nhân lực trình độ cao để thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, tạo giá trị gia tăng cao. Mọi sự thay đổi, phát triển đều bắt đầu từ thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, để làm sao giúp doanh nghiệp giải phóng toàn bộ nội lực mà họ có”, doanh nhân Huỳnh Hiếu cho hay.
Đại diện cho thế hệ doanh nhân có niềm tin vững chắc vào chính mình, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) Phạm Duy Hiếu chia sẻ: “Tôi luôn tập trung vào hành động để tạo ra giá trị cho doanh nghiệp và xã hội. Doanh nhân là những người không ngại bất kỳ thử thách nào để phát triển. Kết quả tốt đẹp sẽ đến từ sự mạnh mẽ, từ sự nỗ lực của chính mình, hết mình vươn lên bằng hành động”.
Bên cạnh đó, doanh nhân Phạm Duy Hiếu cũng mong muốn Nhà nước giữ vững ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, tiếp tục phát huy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện có để thúc đẩy phục hồi kinh tế. Doanh nhân này cũng nhận định, hiện nay, kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu khởi sắc hơn so với các nước trong khu vực và thế giới, nhờ vào chính sách luôn đồng hành với doanh nghiệp của Chính phủ.
Nữ doanh nhân kỳ vọng
Là phụ nữ dấn thân vào kinh doanh, Giám đốc Công ty TNHH DP Tâm Đan Quách Kim Loan cho biết, phụ nữ sẽ khó khăn hơn nam giới vì còn phải gánh vác thiên chức thiêng liêng là làm mẹ, sẽ không tránh khỏi những khó khăn trong công việc. Vì vậy, đòi hỏi người nữ doanh nhân phải nỗ lực nhiều hơn.
Theo doanh nhân Quách Kim Loan, doanh nghiệp rất cần một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và lành mạnh. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có nỗ lực, đạt được thành quả trong sản xuất, kinh doanh cần được ghi nhận công bằng, xứng đáng. Có như vậy, những doanh nghiệp chân chính mới hun đúc niềm tin và động lực phấn đấu không ngừng vươn lên.
Còn nữ Tổng Giám đốc điều hành Công ty TNHH San Hà Phạm Thị Ngọc Hà cho biết, kinh tế thị trường "như dòng nước trên sông, lúc lên lúc xuống". Thị trường luôn có sự luân hồi. Vì vậy, điều quan trọng là ứng biến phù hợp trong quản trị, đáp ứng đòi hỏi của tình hình thực tế.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay rất lớn, chiếm phần lớn tổng số doanh nghiệp cả nước, đây là lực lượng hùng hậu, có thể tạo nên làn sóng phát triển mạnh mẽ nếu có “lực đỡ” từ chính sách.
“Tôi mong Chính phủ và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh thấu hiểu doanh nghiệp hơn, quan tâm doanh nghiệp mọi phía, mọi lúc, mọi nơi, mọi trường hợp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp đang rất cần chính sách hỗ trợ thấu đáo, thiết thực hơn”, nữ doanh nhân kỳ vọng.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 268.000 doanh nghiệp, lớn nhất cả nước và chiếm khoảng 31% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.