(HNMO) - Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực đến nay hơn hai tháng (từ 1/11/2014). Qua thời gian ngắn áp dụng, Petrolimex (đầu mối xuất nhập khẩu lớn nhất trên thị trường) đã phản ánh một số thuận lợi, khó khăn khi áp dụng Nghị định này.
Thị trường xăng dầu đã sát hơn với thị trường
Nhìn lại năm 2014, giá dầu thô ngọt nhẹ trên thị trường thế giới biến động khá mạnh và sụt giảm liên tiếp trong các tháng cuối năm kéo theo giá xăng dầu thành phẩm giảm liên tục và hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, thị trường xăng dầu trong nước có sự điều chỉnh mạnh sau khi áp dụng Nghị định 83 kể từ ngày 1/11/2014.
Nghị định 83 là sự kế thừa những điểm mạnh, khắc phục những mặt hạn chế của Nghị định 84 sau hơn 4 năm triển khai, thể hiện sự kiên định của Chính phủ trong việc chuyển sang cơ chế thị trường đối với kinh doanh xăng dầu.
Hơn nữa, qua 3 lần điều chỉnh giá bán xăng dầu của liên bộ theo Nghị định 83 đã làm cho giá bán trong nước ngày càng phản ánh sát hơn với diễn biến của giá xăng dầu trên thị trường thế giới; đồng thời Nghị định 83 cũng đã tạo được hành lang pháp lý rõ ràng hơn, giúp liên bộ, doanh nghiệp có căn cứ trong việc điều chỉnh giá bán và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước dư luận xã hội và người tiêu dùng.
Mặt khác, tính công khai, minh bạch từ khâu xây dựng, ban hành chính sách đến khâu điều hành về giá bán, Quỹ bình ổn giá xăng dầu của cơ quan quản lý nhà nước cũng như tình hình hoạt động kinh doanh của các thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu ngày càng nâng cao sau khi có Chỉ thị 11 của Bộ trưởng Bộ Công thương và đặc biệt kể từ khi Nghị định 83 có hiệu lực thi hành.
Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, ngay sau khi Nghị định 83 có hiệu lực thi hành, Petrolimex đã chuyển toàn bộ số tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vào một tài khoản riêng mở tại một Ngân hàng thương mại sau khi được sự chấp thuận của Bộ Tài chính, Công thương.
Nhìn chung, dư luận xã hội ngày càng đồng tình, ủng hộ chủ trương chính sách điều hành kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường của Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhất là sau khi Nghị định 83 được vận hành trong thực tế.
Doanh nghiệp than vướng và lỗ
Tuy nhiên, theo Petrolimex, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 83, Petrolimex và các thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu gặp phải ba khó khăn lớn. Một là, kết quả hoạt động kinh doanh xăng dầu năm 2014 bị lỗ. Nguyên nhân, Nghị định 83 ra đời và có hiệu lực thi hành đúng vào giai đoạn giá xăng dầu thế giới ở trong xu thế giảm liên tục, kéo dài là cơ hội thuận lợi để cơ quan quản lý Nhà nước điều hành giá bán theo một chiều duy nhất là giảm giá (theo thống kê, có 12 lần giảm giá xăng liên tiếp với tổng mức giảm là 7.760 đ/lít; 13 lần giảm giá dầu với tổng mức giảm 5.830 đ/lít là mức giá thấp nhất trong gần 4 năm trở lại đây).
Do công thức tính giá cơ sở theo Nghị định 83 lấy theo bình quân 15 ngày giá thế giới sát ngày công bố giá cơ sở; trong khi thương nhân đầu mối phải dự trữ lưu thông 30 ngày theo quy định dẫn đến giá bán thường thấp hơn giá vốn do doanh nghiệp phải xuất bán từ tồn kho 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ và phát sinh lỗ. Chưa kể, để hạn chế kinh doanh mất vốn trong xu thế giá giảm, các đại lý/tổng đại lý thường chỉ mua hàng cầm chừng (để tối ưu hóa tồn kho, giảm dự trữ) đủ đáp ứng nhu cầu bán hàng cho khách nên dự trữ lưu thông dồn về thương nhân đầu mối. Toàn bộ tích lũy lỗ từ hàng tồn kho do giảm giá dồn về thương nhân đầu mối; đồng thời Tổng đại lý, đại lý dự trữ lưu thông thấp, gây bất ổn thị trường có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Từ thực tiễn trên, Petrolimex kiến nghị Liên Bộ Tài chính - Công thương nghiên cứu xem xét trình Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định điểm d khoản 1 Điều 37 của Nghị định 83 về chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu áp dụng cho cả trường hợp nếu giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ hiện hành diễn ra trong thời gian dài, giúp doanh nghiệp kinh doanh không mất vốn. Trước mắt, cho phép thương nhân đầu mối thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo đúng quy định và nguồn được bù đắp từ Quỹ Bình ổn giá.
Hai là, thủ tục cấp giấy chứng nhận và việc thiết lập hệ thống phân phối theo quy định mới: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với tổng đại lý, thương nhân phân phối, đại lý có nhiều điểm bán... tương đối phức tạp và còn mất nhiều thời gian chưa kể các doanh nghiệp cần phải hoàn thiện điều kiện theo quy định. Vì vậy, việc thiết lập hệ thống phân phối, ký kết hợp đồng bán hàng theo Nghị định 83 cho năm kế hoạch 2015 của Petrolimex với khách hàng gặp khó khăn.
Nhằm đơn giản hóa và giảm thủ tục hành chính theo chủ trương của Chính phủ, Tập đoàn Xăng dầu kiến nghị Bộ Công thương nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký phê duyệt và cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.
Ba là theo quy định hiện nay về sở hữu hàng hóa; về hạch toán doanh thu, chiết khấu thanh toán và hoa hồng (hoặc chiết khấu giảm giá đối với đại lý, tổng đại lý) nếu thực hiện theo quy định là ít khả thi do tính chất mặt hàng và mạng lưới kinh doanh. Nếu doanh nghiệp buộc phải thực hiện sẽ gia tăng chi phí rất lớn vì phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ trong việc giám sát tới tận cửa hàng xăng dầu của đại lý, tổng tổng đại lý chưa kể dễ sinh tiêu cực.
Để khắc phục những bất cập trên, Tập đoàn Xăng dầu đang đề nghị liên bộ xem xét lại quy định cho phù hợp với thực tiễn nhằm tiết giảm chi phí kinh doanh, tăng cơ hội giảm giá cho người tiêu dùng và phản ánh đúng thực tiễn hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.