(HNM) - Gỡ khó cho nông dân trước tình trạng nhiều mặt hàng nông sản rớt giá mạnh, Chính phủ yêu cầu thực hiện chính sách mua tạm trữ. Gạo, cà phê, muối là những mặt hàng đang được triển khai mua tạm trữ để bảo đảm cho nông dân có lãi.
Vì sao tiến độ thu mua chậm?
Đóng bao gạo xuất khẩu tại Công ty lương thực Long An (Tổng Công ty Lương thực
miền
Chỉ đạo của Chính phủ hỗ trợ mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo là tin vui cho người trồng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo được giao cho 48 doanh nghiệp (DN) thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam thực hiện, nòng cốt là Tổng công ty (TCT) Lương thực miền Nam và TCT Lương thực miền Bắc. Các DN mua lúa gạo theo giá thị trường được hỗ trợ lãi suất vốn vay 100%. Tuy nhiên, các DN mới mua được 216.000 tấn gạo trong chỉ tiêu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo của Chính phủ, đạt khoảng 20%. Theo Bộ NN&PTNT mặc dù các ngân hàng thương mại đã đủ nguồn vốn cho vay để thu mua tạm trữ nhưng lượng lúa gạo mua còn thấp so với lượng lúa hàng hóa mà các địa phương đang cần tiêu thụ. Giá lúa ở các tỉnh ĐBSCL tuy có tăng nhưng vẫn ở mức thấp, khoảng 3.300 - 3.800 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất cao, giá lúa phải từ 4.000 đồng/kg trở lên nông dân mới có lãi 30% như chỉ đạo của Chính phủ. Việc chậm trễ trong triển khai thu mua lúa gạo sẽ dẫn đến tình trạng: khi giá tăng, nông dân đã phải bán non hết hàng hóa.
Tương tự, dù diêm dân được hỗ trợ bởi chương trình mua tạm trữ muối song vẫn rất khó khăn, do quá trình thực hiện chậm. Cuối tháng 6 năm 2010, Chính phủ triển khai quyết định hỗ trợ lãi suất cho DN vay vốn mua muối tạm trữ. Theo kế hoạch đến cuối tháng 9 năm 2010 tổng số muối mà TCT mua tạm trữ là 30.000 - 40.000 tấn theo giá thị trường, trong đó ưu tiên mua muối tại ruộng của diêm dân và của hợp tác xã sản xuất muối. TCT Lương thực miền Bắc chỉ đạo thu mua muối ở Bạc Liêu làm ba đợt. Đợt 1, TCT chỉ mua 10.000 tấn muối trắng sạch với giá tại ruộng 700-750 đồng/kg, nhưng số lượng mới thực mua được hơn 1.000 tấn do TCT chưa chuyển tiền vào cũng như phương tiện vận chuyển, bốc xếp không đủ.
Cà phê cũng là một trong ba mặt hàng đang được Chính phủ hỗ trợ mua tạm trữ, tuy nhiên tình hình thu mua cà phê cũng không khác hai mặt hàng nông sản trên bao nhiêu. Tại hội nghị đánh giá triển khai mua tạm trữ cà phê niên vụ 2009-2010 vừa diễn ra, Bộ NN&PTNT cho biết các địa phương đã thu mua được hơn 60 nghìn tấn, với tổng giá trị 1.400 tỷ đồng, đạt trên 30% kế hoạch. Ông Nguyễn Công Hoàng, Phó Tổng giám đốc TCT Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết, chỉ thị mua tạm trữ cà phê của Chính phủ có hiệu lực ngày 15-4, song đến trung tuần tháng 6 DN mới tiếp cận được vốn vay, chậm hơn hai tháng. Thủ tục rườm rà, trình tự xét hồ sơ lòng vòng, DN không vay được đủ vốn khi cơ hội đến. Việc vênh nhau giữa cung và cầu khiến cả nông dân và DN đều thiệt. Thời điểm giá cà phê ở mức 1.220 USD/tấn, DN không có vốn để mua tạm trữ, nay giá đã tăng lên trên dưới 1.700 USD/tấn, DN dẫu vay được vốn vẫn không thể mua được cà phê vì lượng cà phê đã hết do bán non từ trước.
Vẫn là giải pháp tình thế
Mua tạm trữ các mặt hàng nông sản là chủ trương lớn của Chính phủ góp phần giúp nông dân hạn chế thiệt hại khi có tình trạng rớt giá. Nhưng do chưa có giải pháp ở tầm vĩ mô nên việc thực hiện thường bị động. Mỗi khi rơi giá Chính phủ lại bù lãi suất cho DN thu mua tạm trữ theo kiểu "đến hẹn lại lên" nên hiệu quả không cao. 3 mặt hàng nông sản trên, sau khi có chính sách mua tạm trữ giá bán có tăng nhưng chưa bảo đảm đủ 30% lãi cho nông dân. Bên cạnh những khó khăn khách quan, theo ý kiến của DN và người dân, khâu dự báo chính sách còn yếu. Chính sách mua tạm trữ hàng hóa là cần thiết và sẽ còn tiếp tục với nhiều mặt hàng, nhưng thường xảy ra tình trạng thời điểm thực hiện chậm so với thực tế mùa vụ và điều kiện của sản xuất. Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam Lương Văn Tự cho rằng, lượng mua vào thấp là do việc triển khai chương trình chậm. Hiệp hội trình xin thu mua từ tháng 1-2010 nhưng đến tháng 4-2010 Chính phủ mới có quyết định. Cuối tháng 4-2010, Ngân hàng NN&PTNT mới hoàn tất thủ tục cho vay, như vậy thời gian thực hiện chương trình chỉ còn 2 tháng rưỡi. Trong khi vào nửa cuối vụ lượng cà phê không còn nhiều như đầu vụ.
Chính sách hỗ trợ cho các DN tạm trữ nông sản cho nông dân chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, nên có những chính sách hỗ trợ hợp lý trong việc tiêu thụ nông sản. Nhà nước có thể đầu tư trực tiếp cho nông dân thông qua hợp tác xã để kéo giá các dịch vụ sản xuất xuống, thay vì nông dân trực tiếp giao dịch với tư nhân. Bên cạnh đó Nhà nước nên đầu tư cho nông dân làm kho trong vùng sản xuất (gần ruộng) để trữ hàng, kể cả đầu tư cho các chủ trang trại lớn, cũng là chiến lược lâu dài giúp DN và nông dân có lãi. Khi nông dân và cả DN có hệ thống kho dự trữ các loại, mua theo tiến độ thời vụ với sức chứa gần bằng sản lượng xuất khẩu hằng năm thì khi ấy xuất khẩu mới cạnh tranh, không bị bắt chẹt... Như vậy là nhà nước đầu tư (tài trợ) tận gốc, không qua nhiều khâu trung gian, nông dân mới được hưởng lợi. Làm như vậy chắc chắn sẽ chấm dứt tình hình mua nông sản tạm trữ theo kiểu "đến hẹn lại lên". Chính phủ sẽ tập trung điều hành thị trường theo chức năng hành pháp: vào chính vụ, bất kể DN nào không mua hoặc mua kiểu "có lệ" đầu cơ làm giá, gian lận thương mại hoặc bán phá giá thì xử phạt theo đúng quy định, nhẹ là không được hưởng tài trợ của Chính phủ và nặng hơn là phải rút phép kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.