(HNM) - Vừa qua, tại hội nghị sơ kết về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bưu chính viễn thông do Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội tổ chức, vấn đề khó lắp đặt trạm thu phát sóng (BTS) một lần nữa lại được đề cập…
Để nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển thuê bao mới, các nhà cung cấp dịch vụ di động phải lắp đặt các trạm BTS mới. Tuy nhiên, việc lắp đặt này liên tiếp gặp phải khó khăn do bị người dân khiếu kiện. Theo ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty VMS-Mobifone, thời gian gần đây, Mobifone rất khó lắp đặt các trạm BTS, nhất là tại địa bàn khu vực Hà Tây cũ (do Chi nhánh Mobifone Hà Nội 3 quản lý) vì người dân khiếu kiện và cản trở việc lắp đặt. Lãnh đạo Mobifone cũng đề nghị Sở TT-TT và UBND các quận, huyện cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho DN. Tương tự như vậy, các nhà mạng khác cũng cho biết để lắp đặt trạm BTS họ đã tốn nhiều công sức hoàn tất các thủ tục theo quy định, tuy nhiên đến khi triển khai lại bị người dân cản trở thi công khiến công việc bị đình trệ và điều này gây thiệt hại không nhỏ cho DN… Về phía các địa phương, đại diện UBND một số quận, huyện cho biết, họ ủng hộ các DN triển khai lắp đặt hạ tầng, song với trường hợp người dân khiếu kiện trạm BTS gây ảnh hưởng đến sức khỏe thì cơ quan này cũng lúng túng, bởi chưa biết dựa vào văn bản nào để giải thích với người dân. Đại diện UBND quận Hà Đông đề nghị Sở TT-TT cung cấp cho địa phương các văn bản hoặc kết luận chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khẳng định sóng BTS không gây hại sức khỏe cho người dân để chính quyền cơ sở có căn cứ trả lời. Một ý kiến khác của lãnh đạo Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 1 thì vừa qua đơn vị này phối hợp với địa phương đi kiểm tra một số địa điểm trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện ra tại một ngõ trên phố Thái Thịnh có 3-4 thiết bị kích sóng điện thoại. Nguyên nhân là do khu vực này sóng di động rất yếu nên người dân tự trang bị bộ thiết bị này để bảo đảm chất lượng cuộc gọi, song sự "tự phát" này lại là nguyên nhân gây ra nhiễu sóng cho các mạng di động.
Như vậy, vấn đề người dân lo ngại sóng di động từ trạm BTS gây ảnh hưởng tới sức khỏe và có những hành động cản trở DN lắp đặt thiết bị khiến cả DN và chính quyền đều "bó tay" vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng di động ngày một tăng và nhu cầu đòi hỏi được bảo đảm chất lượng dịch vụ cũng ngày càng bức thiết và với những "vùng lõm" bất đắc dĩ này, nhà mạng buộc phải dùng các trạm lặp để chuyển tiếp, song lại có hạn chế là việc chuyển tiếp này cũng chỉ được trong phạm vi nhỏ hẹp. Bài toán chất lượng dịch vụ với nhiều DN hiện chưa có lời giải. Vậy cách nào để vẫn lắp đặt BTS mà ít bị khiếu kiện từ phía người dân? Với các DN, trước hết, họ buộc phải đẩy mạnh việc hợp tác dùng chung hạ tầng BTS theo phương thức hai bên cùng có lợi mà còn tiết kiệm được chi phí. Bên cạnh đó, thay vì tìm các vị trí thuê dựng BTS khu vực dân cư, các DN cũng nên chọn cách chỉ thuê địa điểm tại vị trí các cơ quan, đơn vị của Nhà nước - những nơi có trụ sở lớn, khuôn viên rộng hoặc khu chung cư cao tầng, trụ sở DN để thuận tiện hơn khi dựng trạm BTS và sẽ ít có khiếu kiện từ người dân. Với các cấp chính quyền địa phương, theo quy định ban hành kèm theo Quyết định 114 do UBND TP Hà Nội về việc quản lý, cấp phép xây dựng trạm BTS trên địa bàn ban hành năm 2009, trong đó ghi rõ trách nhiệm của UBND các phường, xã là phải bảo đảm an ninh trật tự cho việc xây dựng, lắp đặt và hoạt động của các trạm BTS trên địa bàn (điểm 2, điều 10, chương 3). Quy định là như vậy, nhưng dường như chính quyền địa phương cấp cơ sở vẫn chưa thực hiện được. Một điểm mấu chốt quan trọng khác là vai trò quản lý nhà nước của Bộ TT-TT, nên chăng đã đến lúc bộ cần phối hợp với các bộ liên quan để có ý kiến chính thức về việc sóng di động có hay không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân để người dân đỡ hoang mang mà bản thân DN cũng đỡ chật vật vì BTS.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.