Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp và người dân đều cần

Gia Bình| 03/08/2011 07:14

(HNM) - Theo ngành chức năng, hiện nay cả nước có hơn 400 trung tâm thương mại, siêu thị. Tuy nhiên, hệ thống bán lẻ này chưa có tính bền vững về chất lượng hàng hóa. Từ khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) có hiệu lực (từ ngày 1-7-2011), vấn đề chất lượng hàng hóa cần được các siêu thị, trung tâm thương mại quan tâm đúng mức.


Các trung tâm thương mại đẩy mạnh việc bảo vệ quyền lợi bằng cách kiểm soát chặt các nguồn hàng nhập vào.   Ảnh: Trung Kiên

Hiện nay kênh bán hiện đại đã tăng hơn 40 lần so với cách đây 20 năm, với hơn 400 siêu thị ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhưng điều đáng lo ngại là hệ thống bán lẻ này tuy gia tăng về số lượng nhưng chưa bền vững về chất lượng hàng hóa. Nhiều mặt hàng niêm yết trong siêu thị có giá cao hơn ngoài chợ, thậm chí hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng cũng có mặt trong siêu thị. Kể từ khi Luật Bảo vệ NTD có hiệu lực, vấn đề chất lượng các loại sản phẩm, hàng hóa được bán trong các trung tâm thương mại, siêu thị được NTD quan tâm hơn và quyền lợi của NTD được bảo vệ bằng công cụ pháp lý. Họ có nhiều kênh để phản ánh chất lượng hàng hóa cũng như yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ quyền lợi của mình trước tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng tràn lan như hiện nay.

Thời gian qua, quyền lợi của NTD bị xâm phạm khá phổ biến, ngày càng nghiêm trọng, khiến họ không chỉ thiệt hại về kinh tế, mà còn bị ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng. Đặc biệt, NTD luôn ở thế yếu trước các nhà sản xuất và phân phối, vì thế Luật Bảo vệ quyền lợi NTD ra đời là sự mong mỏi của hàng triệu người, đồng thời cơ quan quản lý nhà nước có hành lang pháp lý giải quyết các vụ việc liên quan. Với luật này, NTD có những quyền cụ thể, phù hợp với các quyền đã được Liên hợp quốc thông qua, gồm quyền được an toàn; được thông tin; được lựa chọn; được góp ý; được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; quyền được khiếu nại và bồi thường; được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ... Ngoài quy định quyền của NTD, luật cũng quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ: niêm yết giá, cảnh báo khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, các biện pháp phòng ngừa, cung cấp hướng dẫn sử dụng, thay thế linh kiện, điều kiện bảo hành... Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm hàng hóa. Do đó, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối cần phối hợp đồng bộ trong việc bảo đảm quyền lợi NTD.

Để loại bỏ hàng giả, hàng nhái, ngành chức năng đang nghiên cứu việc phát hành tem cho các sản phẩm bảo đảm chất lượng. Đó cũng là điều kiện để các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động bảo vệ NTD. Nếu thiếu đi vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này, việc đưa Luật Bảo vệ NTD vào cuộc sống khó đạt hiệu quả. Như vậy, hơn bao giờ hết, các siêu thị, trung tâm thương mại muốn thu hút khách hàng, phải đẩy mạnh việc bảo vệ quyền lợi của họ bằng việc kiểm soát chặt chất lượng các nguồn hàng nhập vào. Các doanh nghiệp sản xuất cũng cần kiểm soát hệ thống phân phối sản phẩm của mình để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng sản phẩm bị làm giả, làm nhái. Việc bảo vệ quyền lợi NTD không chỉ là kinh doanh, bán các loại sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, giá hợp lý, mà còn phải xây dựng một môi trường kinh doanh chuyên nghiệp, xây dựng niềm tin với NTD. Đó là cách mà các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống bán lẻ cần thực hiện để bảo vệ thương hiệu và phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp và người dân đều cần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.