Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp trước làn sóng hội nhập: Sáng tạo và chấp nhận cạnh tranh

Hương Ly| 02/03/2016 07:07

(HNM) - TPP và hàng loạt FTA đã được ký kết là


Làm gì để không bỡ ngỡ và tận dụng tối đa cơ hội phát triển là hai vấn đề được Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề cập trong hai cuộc hội thảo: "TPP - cơ hội và thách thức với ngành Công nghiệp Việt Nam", "Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết tại Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) về sở hữu trí tuệ", diễn ra ngày 1-3, tại Hà Nội.

Không ít khó khăn

Hàng loạt hiệp định thương mại quốc tế (FTA) đã được Việt Nam đàm phán và ký kết thành công thời gian qua đã mở ra một trang mới về hội nhập kinh tế quốc tế; tạo thêm xung lực trong thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, các FTA đã ký kết cũng đặt ra những khó khăn không nhỏ: Cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt trên cả ba cấp độ: Sản phẩm, doanh nghiệp (DN) và quốc gia; đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh. Trước sức ép cạnh tranh, một số DN nếu không vươn lên có thể phải giải thể hoặc phá sản, một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm...

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, ngành Công nghiệp Việt Nam dù có tuổi đời "rất cao" nhưng thành tựu còn quá hạn hẹp. Nền công nghiệp "ốm yếu" này chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn trước làn sóng hội nhập nếu tự thân mỗi DN không cố gắng vươn lên.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới chỉ mở cửa thị trường sau khi đã hoàn thành xong mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, còn chúng ta đang ở vị trí ngược lại. Vì thế, phải nhanh chóng bắt tay thực hiện từ những việc nhỏ nhất, cụ thể nhất để không bỡ ngỡ khi tham gia sân chơi toàn cầu.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cũng cho biết, theo khảo sát của VCCI, đa số quy định pháp luật hiện hành đã phù hợp với cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA. Tuy nhiên, việc thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam có nhiều bất cập. Hiện có 4 cam kết mà pháp luật Việt Nam chưa tuân thủ, bao gồm: Quyền độc quyền công bố đến công chúng của người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; quy trình và cách thức bảo hộ đối với 169 chỉ dẫn địa lý của EU liệt kê trong EVFTA; cam kết bù đắp thời hạn sáng chế dược phẩm cho những chậm trễ trong cấp phép lưu hành; nguyên tắc suy đoán về quyền của người có tên trên tác phẩm.

Nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ

Trước làn sóng hội nhập đã đến rất gần, ông Phạm Minh Hiện, Giám đốc Điều hành Nhà máy kính Kala (tại Hà Nội) tỏ ra khá vững tin. Là DN sản xuất vật liệu xây dựng, Kala dự kiến sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển kinh doanh khi nhiều thị trường xuất khẩu rộng mở. Tuy nhiên, ông Hiện cũng thẳng thắn: Việc phải cạnh tranh với những đối thủ mạnh là điều khó tránh khỏi. DN nào có sản phẩm tốt hơn, chất lượng cao hơn chắc chắn sẽ giành được ưu thế.

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô, một ngành công nghiệp dự kiến sẽ chịu những ảnh hưởng trực tiếp sau khi hàng loạt FTA chính thức có hiệu lực, ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, Công ty TNHH General Motors Việt Nam cho rằng, TPP hay các FTA là vấn đề không mới với DN, bởi những khó khăn cũng như cơ hội đều đã được mổ xẻ khá kỹ càng, song vẫn cần một "chiếu nghỉ" để chuẩn bị kỹ càng hơn cho làn sóng hội nhập. Bởi sau hàng loạt FTA đã ký kết, sẽ có nhiều thay đổi lớn với các DN, đặc biệt là những đơn vị thuộc ngành Công nghiệp ô tô.

Trên thực tế, cơ hội thuận lợi do các FTA mang lại tự nó không chuyển thành sức mạnh kinh tế, lợi ích và khả năng cạnh tranh trên thị trường mà phải thông qua nỗ lực và hiệu quả hoạt động hướng đích của các chủ thể, mà ở đây là Nhà nước, người dân và DN. Mỗi DN phải dũng cảm chấp nhận cạnh tranh và chủ động, sáng tạo để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ do mình cung ứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp trước làn sóng hội nhập: Sáng tạo và chấp nhận cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.