(HNM) - Để chủ động nắm bắt những cơ hội mà Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8 tới đây, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh xác định phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời tận dụng lợi thế mà hiệp định mang lại. Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố cũng đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Cơ hội và thách thức
Tập đoàn đa quốc gia Techonic Industries (TTI), chuyên về các sản phẩm thiết bị điện và gia dụng, với 12 nhà máy trên toàn cầu, 76% sản phẩm cung cấp cho thị trường Hoa Kỳ, Bắc Âu, đang triển khai dự án đầu tư 650 triệu USD vào Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh và tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam ở 4 lĩnh vực là phun nhựa, khuôn mẫu, điện, kim loại.
Ông Nate Easter, Phó Chủ tịch điều hành, phụ trách nguồn cung ứng toàn cầu của TTI cho biết, tập đoàn mong muốn cùng các doanh nghiệp của thành phố phát triển chuỗi cung ứng. Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: “Việc TTI đầu tư và tìm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ là thời cơ để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và thành phố “bước chân” vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Theo đại diện Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh, các tập đoàn nước ngoài thường đưa ra 5 tiêu chí yêu cầu doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu phải đạt được. Đó là không dùng chất liệu nguy hại; chất lượng nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn; bảo đảm an ninh nhà máy, nơi sản xuất; phải bảo vệ môi trường và đạt chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chỉ đáp ứng được 3 tiêu chí đầu; hai tiêu chí còn lại thường không đạt.
Ở góc độ lạc quan, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố nêu quan điểm: “Chỉ cần doanh nghiệp nội quyết tâm đổi mới sẽ đáp ứng được 2 tiêu chí này”.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, lớn nhất là cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm và ổn định đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho doanh nghiệp là phải bảo đảm được chất lượng sản phẩm (theo tiêu chí thứ 5 mà các tập đoàn nước ngoài đưa ra). “Điều này buộc doanh nghiệp phải tái cấu trúc, định vị lại sản phẩm của mình”, ông Phạm Ngọc Hưng cho hay.
Doanh nghiệp quyết tâm, Nhà nước giúp sức
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, hiện không ít doanh nghiệp thành phố đã trở thành “mắt xích” của chuỗi cung ứng toàn cầu và chính những doanh nghiệp này được “trao” cơ hội đầu tiên khi EVFTA có hiệu lực. Minh chứng là đến nay đã có hơn 30 doanh nghiệp gia nhập chuỗi cung ứng của các tập đoàn Samsung, Schneider, Sony, Honda, Sanyo…
Một trong những doanh nghiệp điển hình là Công ty TNHH Lập Phúc (quận 7) chuyên sản xuất khuôn mẫu chính xác, đã được Colgate-Palmolive - một tập đoàn đa quốc gia của Hoa Kỳ - quyết định chọn làm khuôn mẫu bàn chải đánh răng, thay thế nhà cung cấp lâu nay ở một nước khác. Ông Nguyễn Văn Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc cho biết: "Để đáp ứng được yêu cầu của Colgate-Palmolive, công ty đã phải mất một năm mới giải quyết được “bài toán” họ đưa ra. Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự hỗ trợ về chính sách và vốn của Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng”.
Bà Trương Vân Tiên, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh (quận Tân Phú) cho biết: "Để có thể đầu tư nhà máy cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nói chung, doanh nghiệp cần vay hơn 200 tỷ đồng để đổi mới phương thức sản xuất. Chúng tôi mong được vay với lãi suất ưu đãi".
Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để “tiếp sức” cho doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thành phố đã ban hành các chính sách như: Hỗ trợ lãi vay để đầu tư nhà xưởng, dây chuyền sản xuất trong thời gian 7 năm, mức vốn vay tối đa là 200 tỷ đồng/dự án; kết nối cung cầu sản phẩm giữa doanh nghiệp của thành phố với các doanh nghiệp trong và ngoài nước...
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thành phố đang thực hiện chương trình kích cầu đầu tư giai đoạn 2018-2020 và xây dựng chương trình kích cầu đầu tư giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
“Các chính sách của chương trình này nhằm thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng; phát triển công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, vừa có lợi thế khi tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Nguyễn Phương Đông nhận định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.