Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp phân phối, bán lẻ: Vận động trong gian nan

Hồng Sơn| 24/12/2012 08:10

(HNM) - Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, trong thời điểm khó khăn đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, thể hiện ở việc bán hàng dưới giá vốn, hàng không rõ xuất xứ… chưa kể việc thâu tóm nhân sự của nhau giữa các DN…

Theo các chuyên gia, sau một thời gian tăng trưởng nhanh (tốc độ tăng trưởng 20-25%/năm), với sự tham gia của cả DN "nội" và DN có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), đến nay ngành phân phối, bán lẻ đã phát triển tương đối ổn định. Từng DN đang thực hiện kế hoạch điều chỉnh và cố gắng duy trì hoạt động để trông chờ thời điểm hồi phục xuất hiện trong thời gian tới. Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, trong thời điểm khó khăn đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, thể hiện ở việc bán hàng dưới giá vốn, hàng không rõ xuất xứ… chưa kể việc thâu tóm nhân sự của nhau giữa các DN…

Mặt khác, gần đây đã thưa dần sự kiện khai trương cơ sở phân phối mới, chứng tỏ quan hệ cung - cầu trên thị trường đang từng bước vào thế cân bằng. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, tổng mức tiêu thụ hàng hóa xã hội tăng thấp, do vậy, mỗi DN phải tiết giảm tối đa chi phí để kìm giữ, không tăng giá bán đồng thời tung ra các đợt quảng cáo rầm rộ, khuyến mãi - tặng quà, tư vấn tiêu dùng nhằm thu hút khách hàng. Nhiều DN dù không công bố một cách cụ thể nhưng cũng xác nhận, đó chỉ là những cố gắng để bảo đảm hoạt động trong khó khăn, bởi năm 2012 nhu cầu và thực lực tài chính dành cho chi tiêu của nhiều gia đình đã giảm mạnh, đồng thời xuất hiện tâm lý tiết kiệm trên diện rộng. Quan sát thực tế tại các siêu thị cho thấy, lượng người vào giảm không đáng kể nhưng số người mua hàng không nhiều và điều đó thể hiện là DN giảm sút về doanh thu.

Nhìn từ góc độ thực tế vận động chung của thị trường có thể thấy, mặc dù các siêu thị, trung tâm thương mại cũng như hệ thống cửa hàng tiện ích đang có bước giảm thiểu về mức độ sôi động, nhưng vẫn là xu hướng phát triển tất yếu của lĩnh vực phân phối theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế. Cũng vì vậy, kênh phân phối này mới có thể vận động, phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt đồng thời đòi hỏi phương cách phát triển riêng, phù hợp với sở trường và nội lực của từng DN cũng như có sự lựa chọn khác nhau giữa DN nội và ĐTNN. Trong đó, nhóm DN nội thường hạn chế về vốn, trình độ quản trị - vận hành cơ sở phân phối, thiếu kinh nghiệm cạnh tranh… nên thường bắt đầu sự nghiệp bằng việc xây dựng những cơ sở có quy mô nhỏ hoặc vừa… DN nội cũng bộc lộ một số điểm yếu mà đến nay chưa được khắc phục triệt để, như tỷ lệ áp dụng phương thức thương mại điện tử thấp; tỷ lệ lao động gián tiếp cao, nhưng vẫn thiếu nhân sự cao cấp; tính liên kết và hợp tác giữa các đơn vị còn lỏng lẻo…

Do vậy, các DN "nội" cần sớm sửa đổi những tồn tại, đồng thời tái cơ cấu để nâng cao sức cạnh tranh. Trước mắt là rà soát, thanh lọc lực lượng lao động, giảm nhân sự gián tiếp theo hướng "tăng chất, giảm lượng" và tăng cường tận dụng lợi thế "sân nhà" để khai thác nguồn nông sản, thực phẩm nội địa linh hoạt. Các siêu thị cũng nên tìm những đối tác là nhà cung cấp có uy tín để thuyết phục họ tham gia những sự kiện tiêu dùng có tính chất định kỳ hàng năm thông qua chính sách hỗ trợ giá, từ đó mang lại lợi ích cho cả 3 bên: người tiêu dùng - siêu thị - nhà cung cấp… Những DN nhỏ đang có ý định bước vào thương trường được giới chuyên môn khuyến nghị nên cân nhắc, triển khai mô hình cửa hàng tiện ích để phát huy yếu tố quy mô nhỏ - năng động, giảm mức đầu tư và dễ hoạt động vì gắn kết chặt chẽ với các khu vực dân cư có mức thu nhập trung bình - nhóm khách hàng này đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số người tiêu dùng xã hội.

DN ĐTNN thuộc lĩnh vực phân phối đã có mặt ở Việt Nam từ 15 năm gần đây, như Big C, Metro, Parkson… và để lại dấu ấn về quy mô hoạt động lớn, hiện đại cũng như cung cách vận hành chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, các cơ sở này hiện cũng gặp khó khăn và họ cũng phải áp dụng biện pháp tăng cường kiểm soát chi tiêu, kết hợp như cắt giảm quảng cáo, chi phí hành chính cùng với việc tập trung đàm phán với nhà cung cấp để tìm ra chính sách giá tốt nhất, kết hợp với việc áp dụng những điều kiện thanh toán hợp lý.

Năm nay là thời gian khó khăn đối với ngành phân phối, bán lẻ và dự báo năm tới vẫn còn đầy thử thách. Mỗi DN cần đưa ra được những giải pháp ứng phó hiệu quả, nhất là khi Tổng cục Thống kê vừa công bố năm 2012 có thêm 1 triệu lao động thất nghiệp, đó chính là số người tiêu dùng sẽ không có khả năng mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại ngay trong thời gian tới…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp phân phối, bán lẻ: Vận động trong gian nan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.