Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Môi trường nào để “lớn” ?

Trung Hưng| 07/02/2010 07:28

(HNM) - Theo tổng kết của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), cứ sau 10 năm lại có một số doanh nghiệp (DN) nhỏ vươn lên, trở thành DN lớn, đồng thời có nhiều đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia hơn. Dự kiến đến năm 2010, Việt Nam sẽ có khoảng 540 nghìn DN nhỏ và vừa.

Dây chuyền kiểm tra phần cứng máy tính tại Công ty TNHH Thế Trung, Khu công nghiệp Sài Đồng B. Ảnh: TTXVN


Tăng một cách… kỳ lạ
Theo thống kê, năm 2009 cả nước đã có hơn 80 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập. Trước đó, báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư công bố số lượng DN đăng ký kinh doanh theo Luật DN tính đến hết năm 2008 là gần 380 nghìn. Như vậy, đến thời điểm này, cả nước có chừng 460 nghìn DN. Các DNNVV chiếm tới 97% trong số này và được đánh giá là một cộng đồng hoạt động ngày càng năng động và hiệu quả, có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế.

Đây có thể xem là sự tăng trưởng một cách kì lạ bởi lẽ khi khủng hoảng kinh tế thế giới bùng nổ, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng, sẽ có khoảng 80% DNNVV gặp khó khăn, trong đó 20% sẽ "biến mất".

Với tốc độ tăng trưởng như thế này, đến 2010, Việt Nam sẽ có khoảng 540 nghìn DN, vượt 8% so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, sẽ có bao nhiêu DNNVV "lớn" lên?

"Nhỏ và vừa" nên… yếu
Trong khi bùng nổ về số lượng, "sức khỏe" và tính hiệu quả của các DNNVV vẫn đặt ra nhiều vấn đề. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, khối DN này "có lớn nhưng không mạnh". Các DN phát triển rất nhanh chỉ trong một thời gian ngắn, nhất là sau khi Luật DN ra đời. Phần lớn có vốn (vốn tự có, vốn điều lệ...) rất ít, huy động bên ngoài hạn chế, không đủ điều kiện tiếp cận thị trường vốn, năng lực tự huy động không có... Vốn là khó khăn lớn nhất và cũng là điểm yếu nhất của DNNVV.

Về trình độ công nghệ, do phần lớn là các cơ sở thủ công "đi lên" hoặc có tiếp cận được khoa học, công nghệ nước ngoài thì cũng thuộc thế hệ... lạc hậu. Theo khảo sát, hơn 90% DNNVV đang sử dụng công nghệ từ cấp trung bình đến lạc hậu, khả năng đầu tư nâng cấp công nghệ thấp, tiêu hao nhiều tài nguyên, bao gồm vật liệu, nhiên liệu, năng lượng... và thường có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Một trong những điểm yếu khác của các DNNVV là mối liên kết rất hạn chế. Điều này thể hiện cả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh lẫn năng lực tạo dựng một tiếng nói chung có thể mang lại lợi ích chung cho cộng đồng. Hầu hết chưa có tầm nhìn dài hạn, chỉ mong muốn lợi nhuận nhiều và càng nhanh càng tốt. Ngoài ra, khả năng quản lý, nhận biết về kinh doanh, văn hóa kinh doanh, trình độ xúc tiến và quảng bá thương mại cũng như lao động hoạt động trong khu vực này... cũng rất hạn chế.

Các DN vẫn gặp khó khăn trong việc thuê đất xây dựng cụm công nghiệp để tập trung sản xuất. Trong ảnh: Nhiều DNNVV đặt xưởng SX tại Cụm công nghiệp Quất Động (Thường Tín). Ảnh: Bá Hoạt


Nhìn từ các "vương quốc DNNVV"
Ở các nước phát triển, DNNVV chiếm khoảng 20-30% tổng số DN, đóng góp 30% cho GDP quốc gia. Riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khối này chiếm 30-60% GDP, đóng góp 35% kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho 40-80% lao động. Khu vực DN này chính là nền tảng cho ra đời nền kinh tế nhiều tầng (với các DNNVV thu hút lao động làm nền tảng nâng đỡ DN lớn) kiểu mẫu thành công tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và được nhiều nước học hỏi. Tại Đài Loan, được xem là một trong những "vương quốc của DNNVV", các DNNVV có thời kì thu hút 78,2% lao động, tạo ra 47,8% tổng giá trị gia tăng và chiếm tới 97,7% tổng số lượng DN cả nước. Ngay tại Mỹ, quốc gia nổi tiếng với các tập đoàn khổng lồ, DNNVV lại được coi là động lực liên tục cho nền kinh tế. 99% DN độc lập ở đây tuyển dụng dưới 500 lao động - được coi là DN nhỏ theo tiêu chuẩn của Mỹ. Theo cục Quản lý DN nhỏ Hoa Kỳ (SBA), các DN này chiếm 52% tổng số lao động toàn quốc và trong giai đoạn 1990-1995 đã tạo ra 3/4 số việc làm mới cho toàn bộ nền kinh tế; riêng trong năm 2005, 23 triệu DNNVV đã tạo ra 75% số việc làm mới và đóng góp 50% tổng giá trị gia tăng của khối tư nhân.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, ngay cả các nền kinh tế có quy mô lớn, trình độ phát triển cao như Nhật Bản, Mỹ, Tây Âu... vẫn chú trọng phát triển DNNVV, bởi nhóm này và DN lớn bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong việc sử dụng nguồn lao động và sản xuất các sản phẩm mà các DN lớn không làm được. Vậy thì tại sao DNNVV Việt Nam chỉ bùng nổ về số lượng, còn chất lượng, tính hiệu quả... lại hết sức yếu kém? Tại các nước khác, để các DN nhỏ phát triển, trở thành DN lớn mất chừng một thập kỷ. Theo khảo sát trên quy mô rộng của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), cứ sau 10 năm lại có một số DN nhỏ "vượt khó vươn lên" thành DN lớn, đồng thời có nhiều đóng góp hơn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Vậy thì tại sao ở Việt Nam, dù liên tục có các "cơn lốc" thành lập DN, sau 10 năm - tính từ khi luật DN ra đời, chỉ có một số ít chịu... "lớn", còn phần lớn vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí có không ít đã không còn tồn tại?

Cần công bằng hơn trong ưu đãi
Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, yếu tố quan trọng để cho các DN Việt Nam trưởng thành là môi trường. Theo bà Lan, môi trường kinh doanh hiện có nhiều mặt chưa thuận lợi, đặc biệt là khâu tiếp cận các nguồn lực của các DNNVV. Chẳng hạn, do không có nguồn lực cho nên cũng có những người có tài kinh doanh nhưng bị bó tay bó chân. Họ không thể làm được với quy mô như mong muốn. Khi DN phát triển đến một quy mô, trình độ nhất định thì khả năng lớn hơn sẽ rất nhiều nhưng nếu không vượt qua ngưỡng đó thì không thể lớn lên được. Đây là vấn đề của chúng ta.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 56 về giải pháp hỗ trợ DNNVV. Theo đó, khối DN này được sự hỗ trợ từ tài chính, thông tin, đào tạo nhân lực đến chính sách hỗ trợ để sử dụng khoa học công nghệ... Nhưng đến thời điểm này, nhiều bất bình đẳng giữa DN lớn, đặc biệt là DN nhà nước với DNNVV vẫn rõ rệt. Chẳng hạn, mỗi khi cần đất, tại hầu hết địa phương, các DN nhà nước nói riêng, DN lớn nói chung vẫn dễ dàng tiếp cận. Một ví dụ khác, cả nước hiện có rất nhiều khu công nghiệp nhưng tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt khoảng 50%, trong khi đó các DNNVV muốn hình thành cụm DN thì trầy trật trong việc xin đất..

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, các chính sách nhiều khi rất kịp thời, rất đúng nhưng khi "va" vào thực tế lại chưa được như mong muốn bởi ba nguyên nhân: Thứ nhất, đưa ra định hướng, chính sách chung rất nhanh nhưng cụ thể hóa thì rất chậm; thứ hai, thủ tục không được cải tiến nhanh, còn ràng buộc rất nhiều; thứ ba, việc điều hành, ý thức trách nhiệm phục vụ của một số cán bộ công quyền chưa vì DN.

Các DN cũng than phiền rằng, cái họ cần không phải là ưu đãi mà là công bằng, trước hết từ chính sách. Họ không cần Nhà nước cho cái gì cụ thể ngoài một môi trường thông thoáng, thuận lợi. Còn nếu không, chỉ cần cơ quan chức năng không đưa ra những quy định có tính chất rào cản thì... cũng là quý rồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Môi trường nào để “lớn” ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.