Số liệu tổng điều tra kinh tế năm 2017 cho thấy, số lượng doanh nghiệp (DN) lớn chiếm 1,9% tổng số DN, giảm 2,3% so với năm 2012, trong khi đó, DN vừa tăng 23,6%, DN nhỏ tăng 21,2% và DN siêu nhỏ tăng 65,5%, chiếm 74% tổng số DN.
Đó là thông tin được ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) đưa ra tại cuộc họp báo công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra kinh tế năm 2017 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 19-1.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 1-1-2017, trong tổng số 518 nghìn DN đang tồn tại và thu thập được số liệu qua tổng điều tra, có 12,8 nghìn DN đang trong giai đoạn đầu tư, 505 nghìn DN thực tế đang hoạt động, tăng 55,6% so với tổng điều tra năm 2012; bình quân hằng năm thời kỳ 2012-2017 tăng 9,2%.
Xét theo quy mô lao động, tại thời điểm 1-1-2017 cả nước có hơn 10 nghìn DN lớn (tăng 29% so với năm 2012), nhưng quy mô chỉ chiếm 1,9% tổng số doanh nghiệp, giảm so với 2,3% của năm 2012. Doanh nghiệp vừa tăng 23,6%, doanh nghiệp nhỏ tăng 21,2% và doanh nghiệp siêu nhỏ tăng tới 65,5% và chiếm 74% tổng số doanh nghiệp. Đáng chú ý là tỷ trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng tới 6 điểm phần trăm so với năm 2012 trong khi tỷ trọng lao động giảm 0,8 điểm phần trăm cho thấy quy mô doanh nghiệp đang nhỏ dần.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, lao động bình quân một DN giảm từ 32 người xuống 27 người, trong đó DN nhà nước, DN ngoài nhà nước đều giảm tương ứng là 20 người và 3 người/1 DN. Riêng các DN FDI tăng bình quân 15 người/1 DN so với năm 2012. Khu vực kinh tế tập thể và cá thể đều có sự giảm nhẹ.
Đại diện Tổng cục Thống kê chủ trì cuộc họp. |
Trả lời câu hỏi của phóng viên về nội dung, mô hình DN nhỏ dần có phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội hay không, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp cho biết, theo kết quả thống kê, số lượng DN lớn giảm, DN nhỏ tăng 21,2% và DN siêu nhỏ tăng mạnh là phù hợp với điều kiện của Việt Nam, khi đất nước ta đi lên từ nước nghèo, chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ đi lên.
“Dần dần chúng ta có DN lớn có tính chuỗi kinh tế toàn cầu, tuy nhiên vẫn là đếm trên đầu ngón tay và đang được nâng dần qua các năm”, ông Thúy cho hay.
Làm rõ hơn nội dung trên, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, số liệu thống kê phản ánh đúng quy mô và phát triển của nền kinh tế. Quy mô DN của chúng ta giảm đi, vấn đề này là hiện tượng khách quan không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết tất cả các nền kinh tế. Ông Cương nhận định, quy mô DN sẽ tiếp tục giảm nữa và đây là điều hoàn toàn phù hợp xu thế khách quan.
Cùng với đó, số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, khu vực DN ngoài nhà nước có số lượng DN lớn nhất với 500 nghìn, tăng 52,2% so với năm 2012 và mỗi năm tăng bình quân 8,7%. Số lượng DN FDI là 14,6 nghìn, tăng mạnh nhất với 54,2% so với thời điểm 1-1-2012, bình quân hằng năm tăng 9,2%.
Về huy động vốn, tại thời điểm 1-1-2017 tổng nguồn vốn được huy động vào sản xuất kinh doanh của khu vực DN là 30,2 triệu tỷ đồng, gấp 2,03 lần năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm khu vực này thu hút thêm 15,2% nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Các DN ngoài nhà nước thu hút nguồn vốn nhiều nhất với 16,8 triệu tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm khu vực này thu hút thêm 17,1% nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Mặc dù số DN liên tục giảm do cổ phần hóa nhưng các DN nhà nước vẫn thu hút nhiều nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Tính đến thời điểm 1-1-2017 khu vực này thu hút 8,4 triệu tỷ đồng, gấp 1,72 lần năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.