Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp lên kế hoạch giảm giá mạnh

Đặng Loan| 25/11/2015 07:37

(HNM) - Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ tết Bính Thân 2016. Điểm khác biệt so với các năm trước là ngay từ bây giờ các DN đã chuẩn bị nhiều chương trình giảm giá sâu trong những ngày cận Tết.


Dự báo sức mua tăng khoảng 15%

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, dự báo sức mua thị trường tết Bính Thân 2016 sẽ tăng khoảng 15% so tết Ất Mùi 2015; giá cả ổn định tại hệ thống phân phối hiện đại và có khả năng tăng nhẹ trong thời điểm cao điểm tại các kênh phân phối truyền thống. Nguồn cung hàng hóa cho thị trường tết sẽ có 30% - 40% đến từ các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường; 60% từ 3 chợ đầu mối và các DN khác chiếm 10% - 20% thị phần còn lại.

Dự báo giá cả hàng hóa phục vụ tết Bính Thân 2016 không tăng so với tết 2015.



Theo bà Lê Ngọc Đào, hiện các DN trong chương trình bình ổn thị trường đang thực hiện triển khai lượng hàng hóa phục vụ Tết với tổng giá trị hàng hóa là 16.208,8 tỷ đồng, tăng 462 tỷ đồng (2,9%) so Tết 2015; trong đó, giá trị hàng bình ổn thị trường đạt 6.863,9 tỷ đồng. Số lượng trên tăng 10% so với kế hoạch UBND TP Hồ Chí Minh giao và tăng 30% - 40% so kết quả thực hiện tết Ất Mùi 2015 để cung ứng thị trường thành phố và các tỉnh, thành bạn. Nhiều nhóm hàng có số lượng chi phối từ 35% đến 52% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm (chiếm 51,7% ), đường (47,4%), trứng gia cầm (44,6%), thực phẩm chế biến (38,3%)... Với các chợ đầu mối, lượng hàng hóa nhập chợ bình quân trên 8.000 tấn/ngày, vào thời điểm cận Tết tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 14.000-15.000 tấn/ngày.

Với các mặt hàng đặc trưng Tết như hoa tươi thì lượng cung ứng dự kiến tăng 10%, tập trung vào các loại cao cấp. Riêng 4 chợ chuyên doanh hoa lớn (chợ Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen và 2 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức chiếm khoảng 80% thị phần), lượng hoa nhập chợ trong 8 ngày cao điểm trước Tết ước đạt 1.500 tấn với giá bán dự báo tương đương năm 2015. Các mặt hàng bia, nước giải khát dự báo nhu cầu tiêu thụ khoảng 40 triệu lít bia và 45 triệu lít nước giải khát trong tháng Tết, tăng 30% so với tháng thường. Hiện nay các DN đã hoàn tất xây dựng và đang tích cực chuẩn bị triển khai kế hoạch cung ứng và cam kết giữ ổn định giá bán. Mặt hàng bánh, mứt, kẹo dự báo nhu cầu tiêu thụ khoảng 18.000 tấn, sản lượng tăng từ 10% đến 20%, giá ổn định.

Giảm giá mạnh trong những ngày cận Tết


Theo Sở Công thương, do thời gian nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, khả năng người dân thành phố sẽ về quê và đi du lịch nhiều nên khó có thể xảy ra biến động giá cả. Riêng giá bán hàng hóa trong chương trình bình ổn sẽ bảo đảm không điều chỉnh tăng trong 2 tháng trước, trong và sau Tết.

Tháng cận Tết, các DN bình ổn thị trường cùng hệ thống phân phối sẽ thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mãi, giảm giá sâu với giá trị khoảng 800 tỷ đồng. Cụ thể, vào một tháng trước Tết: Thịt gia súc giảm 5% - 10%; rau củ quả, thủy hải sản giảm 15% - 20%. Khoảng hai tuần trước Tết, các mặt hàng đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến giảm 5% - 7%; vào ba ngày trước Tết thịt gia cầm giảm 10%; vào hai ngày trước Tết giá trứng gia cầm giảm 1.000 - 2.000 đồng/chục... Các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, Maximark, BigC... tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá 5% - 49% cho hàng nghìn mặt hàng nước giải khát, bánh, kẹo, mứt... trong một tháng trước và sau tết Bính Thân 2016.

Bà Lê Ngọc Đào cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát công tác thực hiện kế hoạch Tết của DN bình ổn thị trường, bảo đảm lượng cung hàng hóa dồi dào, ổn định. Tính đến nay, tổng số điểm bán của 4 chương trình Bình ổn thị trường là 9.205 điểm. Riêng chương trình lương thực - thực phẩm đã phát triển 3.691 điểm bán tại 109 siêu thị, trung tâm thương mại, 448 cửa hàng tiện lợi, 832 điểm bán trong 128 chợ truyền thống, 2.302 điểm bán trong khu dân cư. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, phối hợp Thành đoàn tăng cường công tác bán hàng lưu động phục vụ cho các đối tượng người lao động nghèo, công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp... Tổ chức 339 chuyến bán hàng lưu động trong hai tháng trước Tết, trong đó 40 chuyến ưu tiên phục vụ công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết. Không chỉ trên địa bàn thành phố, Sở Công thương còn khuyến khích các hệ thống phân phối có mạng lưới tại các địa phương, tỉnh, thành bạn như Saigon Co.op, Vinmart... tổ chức bán hàng lưu động tại các tỉnh góp phần ổn định thị trường tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp lên kế hoạch giảm giá mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.