Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp lận đận tìm lao động

Kim Vũ| 08/04/2010 07:22

(HNM) - Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, mặc dù đã bước sang quý II năm 2010 nhưng việc tuyển dụng lao động, nhất là lao động phổ thông vẫn rất khó khăn. Có 3 nguyên nhân chính: lương thấp, lao động nhập cư quá nhiều và đào tạo chưa được bài bản...

Khan hiếm

Tại sàn giao dịch việc làm đầu tháng 3-2010, có 90 DN tham gia tuyển dụng với nhu cầu tuyển 3.500 lao động nhưng chỉ tuyển được 312 lao động có nghề và 78 lao động phổ thông, chỉ đạt hơn 10% số lao động họ cần. Số liệu thống kê từ các trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL), sàn giao dịch việc làm cả nước năm 2009 cho thấy có trên 100.000 chỗ làm việc còn trống, trong đó có tới 80% là nhu cầu lao động phổ thông, nhưng các TTGTVL mỗi năm chỉ có thể cung ứng 20% nhu cầu của các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn...

Các bạn trẻ tìm việc tại một phiên giao dịch việc làm do Báo Lao động Thủ đô tổ chức. 
Ảnh: Nguyệt Ánh

Theo thống kê của Văn phòng GTVL Báo Lao động Thủ đô thì trong năm 2009 có gần 1.000 DN đến tuyển lao động với nhu cầu khoảng 2.000 cơ hội việc làm. Văn phòng đã giới thiệu được gần 1.000 người. Tuy nhiên, thực tế chỉ có hơn 400 lao động được làm việc tại các công ty (đáp ứng khoảng 20%). Từ tháng 1-2010 đến nay, có 200 DN tuyển dụng nhân sự, chủ yếu là lao động phổ thông, nhân viên kinh doanh, thợ cơ khí... nhưng số lao động thực tế được giới thiệu đến làm việc chỉ là 67 người.

Nhiều công ty ký được đơn hàng nhưng do thiếu lao động nên hợp đồng bị phá vỡ là khó tránh khỏi. Một DN chuyên kinh doanh đồ gỗ, nội thất trên đường Đê La Thành, Hà Nội cho biết, thông qua các TTGTVL, DN này đã đề nghị tuyển gấp 300 lao động để phục vụ cho đơn hàng mới nhưng chỉ tuyển được 80 lao động. Công ty cổ phần May Hưng Long (Phố Nối, Hưng Yên) mặc dù có mức thu nhập thuộc loại cao so với các DN cùng lĩnh vực nhưng khi có nhu cầu tuyển dụng 500 lao động phổ thông (chu cấp chi phí ăn, ở trong 3 tháng để dạy nghề cho lao động mới) thì chỉ tuyển dụng được hơn 200.

DN tự tìm đường thoát

Sự khủng hoảng do thiếu công nhân đã khiến tình trạng kinh doanh của các DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đã có DN phải bỏ trắng một dây chuyền sản xuất do số người lao động giảm 30% trong thời gian ngắn. Theo nhiều chuyên gia về lao động, nguyên nhân là do mức lương, thu nhập thực tế của người lao động còn quá thấp. Nhiều công nhân không thể bám trụ được ở thành phố đã phải bỏ về quê khi lương tháng của họ chỉ được 1,2 triệu đồng, không đủ chi trả tiền thuê nhà trọ, ăn uống. Nhiều công nhân bỏ ra ngoài làm nghề giúp việc hoặc thu gom đồng nát, lau nhà, dọn nhà thuê lại có thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng.

Một nguyên nhân khác là đa số các DN, đặc biệt ở các KCN, KCX, sử dụng số lượng lớn lao động trẻ từ 18 đến 35 tuổi và lao động nhập cư, nhưng số lao động trẻ "bước" vào lực lượng lao động ngày càng giảm, nhất là lao động phổ thông. Đây là một khó khăn dẫn đến mất cân đối cung - cầu. Nguyên nhân nữa là vấn đề đào tạo nghề. Theo Văn phòng GTVL Báo Lao động Thủ đô thì mặc dù rất khan hiếm lao động nhưng chất lượng thực của những người mà họ giới thiệu cho DN cũng không được như mong đợi.

Về vấn đề này, ông Ngô Chí Hùng, Phó Trưởng ban Quản lý KCN, KCX Hà Nội cho rằng, thiếu nhân lực đang là bài toán nan giải khi chính sách về nhà ở, thu nhập đối với lao động nhập cư còn nhiều bất cập. Các chuyên gia lao động cũng nêu ra 3 vấn đề quan trọng để điều hòa tình trạng khan hiếm lao động hiện nay là lương, nhập cư và đào tạo. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cũng thừa nhận quy định về mức lương tối thiểu của Nhà nước hiện đang còn thấp nên chỉ có thể thu hút đầu tư mà không đủ để thu hút người lao động. Lao động nhập cư không được quan tâm đồng bộ về các chính sách hỗ trợ nhà ở, chữa bệnh, nhà trẻ cho công nhân và con em họ. Việc đào tạo nghề cũng không dựa trên cơ sở điều tra để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với những khó khăn về nhân sự đang ngày càng gay gắt hiện nay, các DN đã phải liên tục tuyển dụng lao động qua các TTGTVL, sàn giao dịch việc làm và qua các trang web về việc làm, trang tuyển dụng trên nhiều báo, truyền hình, phát tờ rơi... Bên cạnh đó, nhiều DN cũng đã chủ động xây dựng văn hóa DN, cải thiện điều kiện làm việc, nâng lương, phụ cấp ăn, ở hoặc có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho những nhân viên giỏi nghề, có ý thức, trung thành... để lôi kéo người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp lận đận tìm lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.