Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Đổi mới, sáng tạo để tồn tại

Liên Cơ| 07/06/2013 06:09

(HNM) - Nếu chỉ làm thuê cho nước ngoài mà không tự mình sáng tạo, các doanh nghiệp KH&CN trong nước sẽ chỉ là những người thợ gia công...

Đổi mới để phát triển

Nói về năng lực công nghệ của Việt Nam, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho biết, trong vòng 2 năm qua, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tụt 16 bậc trên bảng xếp hạng thế giới, với chỉ số sẵn sàng công nghệ đứng thứ 98, chỉ số trí tuệ doanh nghiệp đứng thứ 100. Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, năng lực công nghệ hạn chế khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh về giá cả cũng như chất lượng. Đơn cử như trong ngành xuất khẩu gạo, năm 2012, Việt Nam tự hào là nước đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu gạo, cao hơn Thái Lan tới 1 triệu tấn, nhưng doanh thu của chúng ta lại thua nước bạn tới 1 tỷ USD. Hiện nay, lợi thế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ không dựa nhiều vào lao động giá rẻ mà thông qua đổi mới công nghệ, năng lực quản lý.

Công ty Gốm sứ Minh Long đã ứng dụng công nghệ vẽ màu ở nhiệt độ cao, tạo sản phẩm đẹp, chất lượng.


Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp của Việt Nam nhận thức rõ điều này, một số doanh nghiệp đã đi đầu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và thu được những thành tựu nhất định. Có thể kể đến như Công ty BKAV, Tosy, FPT, Viettel… Không chỉ các doanh nghiệp công nghệ mà một số doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn với thương hiệu từ lâu đã được biết đến rộng rãi cũng rất cố gắng trong đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ nhằm tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm. Điển hình như Công ty TNHH Minh Long I, được nêu như một tấm gương của nỗ lực tự tìm tòi học hỏi nhằm làm chủ và hoàn thiện công nghệ một cách toàn diện trong lĩnh vực sản xuất gốm sứ. Hay Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã mạnh dạn thành lập riêng trung tâm R&D, nơi tập hợp những chuyên gia từ các trường và viện nghiên cứu, những người không chỉ giúp doanh nghiệp rút ngắn đáng kể thời gian và tài lực trong đầu tư nghiên cứu cải tiến công nghệ, mà cả trong công tác đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực.

Tập đoàn Trung Nguyên cũng đang lên kế hoạch thành lập Viện Nghiên cứu cà phê toàn cầu nhằm tăng cường khai thác giá trị gia tăng chiếm giữ các phân đoạn cao trong chuỗi giá trị cà phê trên thị trường thế giới. Thông qua viện, Trung Nguyên mong muốn tập hợp những nhà khoa học, chuyên gia có trình độ và uy tín cao, thành một hội đồng khoa học đủ năng lực để xây dựng các chuẩn mực làm cơ sở đánh giá các nghiên cứu và phát kiến trong các lĩnh vực liên quan của ngành cà phê.

KH&CN phải là chiến lược trục chính của phát triển kinh tế xã hội

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, tại Việt Nam hiện nay cầu nối giữa doanh nghiệp với lực lượng KH&CN còn khá mong manh. Trong số 400 viện nghiên cứu của Nhà nước, hiện có rất ít viện tạo ra được những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Lý giải về sự trì trệ này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng đó là do doanh nghiệp không có động lực để đổi mới. Ông đưa ra quan điểm, chiến lược KH&CN phải là chiến lược trục chính của phát triển kinh tế xã hội. Hiện nay, Nhà nước làm việc của thị trường quá nhiều, dùng biện pháp hành chính quá nhiều.

Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo Võ Tòng Xuân thì cho rằng, cách đầu tư của Nhà nước cho KH&CN đa phần mang tính dàn trải và manh mún như hiện nay khiến các doanh nghiệp khó tận dụng được kết quả nghiên cứu. Theo ông Võ Tòng Xuân, Bộ KH&CN phải là cơ quan đóng vai trò thẩm định, xâu chuỗi các kết quả nghiên cứu, nhằm xây dựng quy trình nghiên cứu và phát triển đạt tới sản phẩm cuối cùng có giá trị gia tăng cao nhất. Hiệu trưởng Xuân cho hay, chiến lược phát triển ngành sản xuất dầu cọ ở Malaysia là một ví dụ đáng để học tập trong chính sách KH&CN với tầm nhìn "chuỗi giá trị gia tăng". Bên cạnh đó, Nhà nước nên tập trung tạo ra những mô hình điểm như Samsung của Hàn Quốc, Sony của Nhật Bản…

Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội Trần Đức Viên cũng nhấn mạnh, để thúc đẩy tiềm lực nghiên cứu trong nước, trước mắt Nhà nước nên hướng tới hỗ trợ những thương hiệu mạnh sẵn có trong nước, nhằm giúp những thương hiệu này vươn ra toàn cầu. Trước tiên, tiềm lực nghiên cứu trong nước có thể được thúc đẩy bằng sự gắn kết giữa chính sách giáo dục đào tạo với mục tiêu của chính sách phát triển KH&CN, trong đó có mục tiêu quan trọng là đào tạo nhân lực khoa học kỹ thuật phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần yêu cầu những doanh nghiệp và tổ chức nhập khẩu công nghệ phải có lộ trình tiến tới làm chủ công nghệ được nhập khẩu. Mọi ý tưởng công nghệ hữu ích, kể cả những ý tưởng "Hai Lúa", cần có chính sách động viên khuyến khích, nhằm tạo sân chơi bình đẳng và tăng cường động lực đổi mới sáng tạo trong toàn dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Đổi mới, sáng tạo để tồn tại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.