(HNM) - Dù trần lãi suất cho vay đối với bốn nhóm đối tượng ưu tiên đã về mức 13%/năm từ ngày 11-6, nhưng đến nay các DN vẫn chưa được hưởng mức lãi suất này, phải chịu lãi suất cao trong khi sản xuất kinh doanh thua lỗ.
Lãi suất vẫn ở mức 17%-18%
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su - Nhựa TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết DN ngành này vẫn đang phải vay với lãi suất 17%-18%/năm, ngân hàng (NH) không cho vay mới do vướng nợ xấu. Theo ông Trần Việt Anh, cách phân loại nợ xấu rất chung chung (cứ nợ quá hạn 90 ngày là nợ xấu) khiến nhiều DN bị "dính án". Và khi đã "sổ đen" nợ xấu của NH thì dù sau đó có trả nợ xong vẫn phải chịu "án treo" ba năm sau mới được "gỡ" đang đẩy nhiều DN vào khó khăn. Ông kể một DN ngành nhựa trong hoạt động sản xuất kinh doanh trả lãi khoảng 10 tỷ đồng/năm, nhưng chỉ nợ quá hạn có hơn 700 triệu đồng đã phải chịu "án treo" đến năm 2014. Vì vậy, NH cần "nới" các tiêu chuẩn bằng việc phân loại nợ xấu để DN có cơ hội tiếp cận nguồn vốn mới.
Nhiều doanh nghiệp đang cố cầm cự dù bị thua lỗ để giữ thị trường.
Ông Nguyễn Chí Nguyện, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP thì cho rằng NH vẫn không chịu có "tiếng nói chung" với DN. Hiện có 11 DN của hiệp hội cần vay 63,1 tỷ đồng nhưng không thể nào vay được. Ông Nguyện cũng nhắc lại là trước đó, vào ngày 5-6, tại cuộc họp của NH Nhà nước (NHNN) và DN, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân và Phó Thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn đã thống nhất sẽ tạo kết nối giữa NH với DN, mỗi NH sẽ "đảm trách" việc tạo điều kiện vay vốn cho một hiệp hội ngành hàng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có động thái hỗ trợ nào từ NH.
Các DN kiến nghị NHNN xem xét cho DN được vay đáo hạn với mức lãi suất hiện hành (thay vì trả lãi suất cũ trước đây hơn 20%) để giảm số lãi hằng tháng đang phải trả. Bên cạnh đó là kiến nghị nên tập trung cho vay tiêu dùng để giảm hàng tồn kho, kích thích kinh tế phát triển, tránh nguy cơ giảm phát. DN cũng đề nghị TP bảo lãnh để vay vốn. Đây là một biện pháp rất hiệu quả theo dẫn chứng của ông Nguyễn Chí Nguyện. Theo đó, từ khi thành lập đến ngày 15-5-2012 Quỹ bảo lãnh DN vừa và nhỏ của TP chỉ bảo lãnh cho DN vay được 346,14 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ trong 2 tuần gần đây, khi lãnh đạo TP có nhiều cuộc tiếp xúc DN, chỉ đạo sát sao thì quỹ này đã xúc tiến bảo lãnh cho DN vay đã được 127 tỷ đồng.
Vướng chính sách, thủ tục
Các DN cho rằng, bên cạnh các gói giảm, giãn thuế như Nghị quyết 13 của Chính phủ thì việc đẩy mạnh việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính cũng là một hoạt động hỗ trợ thiết thực để giúp DN giảm chi phí. Tuy nhiên, các thủ tục hành chính lại được thực hiện khá chậm chạp. Theo ông Trần Việt Anh, từ đầu năm nay, khi thực hiện Luật Thuế bảo vệ môi trường với túi ni lông, Hiệp hội Cao su - Nhựa đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ và được Bộ Tài chính thông tin là Chính phủ đã chấp nhận 8 trong 10 vấn đề kiến nghị. Cùng với hiệp hội, UBND TP cũng có văn bản kiến nghị Chính phủ sửa đổi cách tính thuế bảo vệ môi trường, nhưng đến nay đã là 3 tháng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Vì vậy mà các DN ngành nhựa không biết phải sản xuất như thế nào, gây khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Ông Đỗ Phước Tống, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP cũng cho rằng Nhà nước cần có hàng rào thuế quan để bảo vệ DN sản xuất trong nước và cần phải thực hiện tốt hơn trong hoàn cảnh khó khăn. Ví dụ, ngành cơ khí đang rất khó khăn và một trong những lý do là không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc do hàng nhập khẩu một số sản phẩm cơ khí chế tạo có thuế suất bằng 0 trong khi các nguyên liệu sản xuất nhập khẩu bị đánh thuế cao...
Theo Ban Quản lý các KCX - KCN TP Hồ Chí Minh (Hepza), chỉ trong 6 tháng đầu năm có gần 90 dự án của Hepza phải tạm ngưng hoạt động. Con số này gần bằng số dự án ngưng hoạt động trong vòng 20 năm hình thành và phát triển của Hepza. Còn ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dù xuất khẩu 6 tháng đầu năm của ngành này đạt 6,6 tỷ USD (tăng 10% so với năm 2011) nhưng tình hình kinh doanh vẫn hết sức u ám vì đơn hàng giảm. Nhiều DN làm bị lỗ nhưng vẫn phải nhận đơn hàng để sản xuất, chấp nhận chịu lỗ vì sợ bị mất thị trường. Đã thế, trước đây Bộ Tài chính có chính sách ân hạn thuế nhập khẩu 275 ngày thì nay do nhiều DN nhập hàng về bị phá sản, không thu được thuế nên Bộ Tài chính không ân hạn nữa càng khiến DN khó khăn.
Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP, hiện nay TP có khá nhiều chương trình ưu đãi cho DN như vốn kích cầu, quỹ khoa học công nghệ,… nhưng các cơ chế và nguồn vốn này chưa đến được với DN. Đây là điều bất hợp lý mà TP sẽ nhanh chóng thay đổi. TP sẽ rà soát các văn bản để bỏ các quy định bất hợp lý. Nếu văn bản đó của TP sẽ làm ngay, còn văn bản thuộc trung ương sẽ đề xuất tháo gỡ cho DN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.