Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp du lịch: Xoay chuyển trong thế khó

Hoàng Lân| 20/05/2021 07:50

(HNMO) - Làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 khiến ngành du lịch một lần nữa "chao đảo", riêng tháng 5, hơn 90% khách hủy tour. Tháng 6 và tháng 7, tình hình du lịch vẫn còn là ẩn số khi mà dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Trước khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp du lịch phải tìm nhiều cách xoay chuyển với hy vọng có thể đứng vững để phục hồi trong thời gian tới.

Nhiều đơn vị du lịch chuyển hướng sang làm dịch vụ đón khách chuyên gia nhập cảnh và kiều bào hồi hương. Ảnh minh họa

Đón khách chuyên gia - hướng đi mới

Hiện nay, với chính sách của Chính phủ trong việc thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam vẫn mở các đường bay đón khách chuyên gia và người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong điều kiện phải bảo đảm an toàn, phòng chống dịch. Trước nhu cầu mới, nhiều đơn vị du lịch đã chuyển hướng thực hiện các thủ tục nhập cảnh, đưa đón đối tượng chuyên gia và người Việt Nam ở nước ngoài về nước.

Công ty du lịch Vietfoot Travel trước kia chủ yếu kinh doanh các dịch vụ đón khách quốc tế (inbound) và đưa khách Việt Nam đi nước ngoài (outbound), nay đã chuyển hướng để duy trì hoạt động, một mặt làm du lịch nội địa, mặt khác tổ chức các dịch vụ đưa, đón khách chuyên gia, Việt kiều về nước như: Làm visa, kết nối các chuyến bay, tổ chức xe vận chuyển... Giám đốc Công ty du lịch Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã vận chuyện được vài trăm khách, chủ yếu là chuyên gia nước ngoài. "Số lượng khách chuyên gia về Việt Nam không thường xuyên nhưng với khó khăn hiện nay thì công việc này giúp cho công ty vẫn duy trì hoạt động", ông Phạm Duy Nghĩa nói.

Tương tự, Giám đốc Công ty du lịch Ascend Travel Dương Mai Lan cho biết, đơn vị chuyển hướng làm dịch vụ đón khách chuyên gia và Việt kiều từ nhiều tháng nay. "Chúng tôi nhận danh sách khách hàng từ các đối tác với sự cam đoan bảo đảm danh sách khách hàng phải đúng yêu cầu là các chuyên gia của công ty cử đến, bảo đảm sức khỏe và được kiểm tra về an toàn, phòng, chống dịch trước khi nhập cảnh. Từ danh sách này, phía công ty du lịch Việt Nam sẽ thuê các chuyến bay nguyên chuyến (charter) để đưa khách về Việt Nam theo đúng yêu cầu và tiêu chuẩn về phòng, chống dịch", bà Dương Mai Lan nói.

Nói về việc thực hiện các thủ tục đưa đón khách chuyên gia, kiều bào về nước, Giám đốc Công ty du lịch Vietffoot Travel Phạm Duy Nghĩa bổ sung, quy trình đưa đón phải thực hiện khép kín từ lúc lên máy bay cho đến khi khách được đưa về các khu cách ly tại khách sạn. "Chúng tôi phải rà soát và có yêu cầu nghiêm ngặt với đối tác về danh sách khách về nước. Ngoài ra, chúng tôi cũng gửi cho khách hàng những yêu cầu về phòng, chống dịch tại Việt Nam, đề nghị khách phải tuân thủ đúng, từ khi nhập cảnh cho đến khi bàn giao về các khu cách ly", ông Phạm Duy Nghĩa nói.

Chuyển hướng kinh doanh 

Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, hiện có khoảng 80-90% doanh nghiệp du lịch tạm thời đóng cửa, dừng hoạt động. Trước khó khăn liên tiếp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn vị du lịch đã phải chuyển hướng kinh doanh để có thể duy trì hoạt động.

Giám đốc Công ty du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài cho biết: "Nhìn thấy trước khó khăn trong hoạt động lữ hành, tôi và 5 lãnh đạo của các công ty du lịch khác đã liên kết mở Trung tâm đào tạo du lịch thực tế Prato với hy vọng có thể giữ chân được lực lượng nhân sự ở các đơn vị. Tuy nhiên, khi nhiều công ty phải đóng cửa, nhân sự nghỉ việc thì hoạt động của trung tâm cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đây vẫn là hướng đi lâu dài để ổn định nguồn nhân lực cho các công ty du lịch, vì thế chúng tôi vẫn cố gắng duy trì hoạt động".

Bên cạnh đó, đầu tháng 5-2021, Giám đốc Công ty du lịch VietSense mở thêm dịch vụ kinh doanh nhà hàng nằm trong chuỗi cung ứng du lịch khép kín: Lữ hành - Nhà hàng - Vận chuyển. "Chúng tôi mở nhà hàng trong giai đoạn này để hỗ trợ cho hoạt động của lữ hành. Nhà hàng chuyên về các món đặc sản của địa phương, trước tiên là đặc sản dê Ninh Bình. Chúng tôi sẽ có chính sách kết nối giữa ẩm thực và du lịch, ví dụ như thực khách sẽ được bốc thăm các chuyến đi du lịch Ninh Bình, hoặc du khách từ các tỉnh, thành phố khác có thể thưởng thức ẩm thực Ninh Bình ngay tại Hà Nội. Với yêu cầu phòng, chống dịch, hoạt động kinh doanh này đang chuyển sang dịch vụ online", ông Nguyễn Văn Tài nói.

Cùng tình trạng chung, Giám đốc Công ty lữ hành AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết, hiện công ty phải cho nhiều nhân sự du lịch tạm nghỉ việc chuyển sang làm công việc khác. "Khi du lịch tạm "ngủ đông", một phần nhân sự của công ty chuyển sang sản xuất và kinh doanh bia thủ công do tôi là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành. Hiện, công việc kinh doanh này cũng chuyển sang bán online, tuy không mang lại lợi nhuận lớn nhưng cũng tạm thời giúp cho công ty giữ chân nhân sự, sống qua mùa dịch", ông Nguyễn Tiến Đạt nói.

Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư đã tác động lớn đến hoạt động du lịch, nhiều đơn vị phải đóng cửa, nhân sự nghỉ việc. Sự chuyển hướng của các đơn vị lúc này phần nào giúp cho họ có thể đứng vững trên thương trường và có sức bền để chờ đợi vào ngày du lịch sẽ khôi phục khi dịch được kiểm soát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp du lịch: Xoay chuyển trong thế khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.