(HNMO) - “Doanh nghiệp và các tỉnh, thành phố đồng hành cùng Thủ đô bình ổn cung cầu trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020” - đó là khẳng định của các doanh nghiệp chăn nuôi, phân phối tại hội nghị bàn về các giải pháp bình ổn thị trường, cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm nông sản thực phẩm khác phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, do UBND thành phố Hà Nội tổ chức chiều 30-12. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản chủ trì hội nghị.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, do bệnh Dịch tả lợn châu Phi lan rộng, nên nguồn cung ứng cho thị trường Hà Nội giảm mạnh. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, thành phố Hà Nội đã liên kết với các tỉnh cung ứng cho Hà Nội 8.920 tấn thịt lợn, qua đó cơ bản đáp ứng nhu cầu tháng Tết.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, thành phố đã tái đàn được 300.000 con/600.000 con đã bị tiêu hủy do bệnh Dịch tả lợn châu Phi, nên sản lượng thịt lợn xuất chuồng cũng tăng khoảng 17% so với tháng 11-2019. Ngoài ra, các doanh nghiệp giết mổ, phân phối tăng cường hoạt động thu mua từ 8.000 tấn đến 9.000 tấn/tháng, nên nguồn cung mặt hàng thịt lợn đến thời điểm hiện tại cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thịt lợn cho người dân Thủ đô, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị 13 tỉnh, thành phố (Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định…) phối hợp cùng Hà Nội trong việc theo dõi tình hình, cung cấp thông tin, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm hàng hóa nói chung và thịt lợn nói riêng.
Đại diện các siêu thị Big C Thăng Long, Co.opmart khẳng định sẽ đồng hành cùng Chính phủ và thành phố Hà Nội trong chương trình bình ổn giá, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán sắp tới, với mức giá thấp hơn thị trường từ 5-10%.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường mặt hàng phục vụ Tết, trong đó đặc biệt quan tâm đến thịt lợn và các sản phẩm thay thế. Từ đó, đề xuất cơ quan chức năng có giải pháp điều hành phù hợp về giá cả, nguồn hàng. Sở Công Thương Hà Nội cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các tỉnh, thành phố trong khai thác các mặt hàng còn thiếu đưa về Hà Nội, đặc biệt là thịt lợn và sản phẩm thay thế...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thịt lợn và các mặt hàng nông sản thực phẩm khác không găm hàng, tăng giá. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phân phối cung ứng hàng hóa bảo đảm chất lượng thường xuyên, liên tục tại các điểm bán hàng, phối hợp với các sở, ngành chủ động nắm nguồn cung sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.