Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp “đòi” quyền lợi

Hoàng Phong| 03/11/2011 07:01

(HNM) - Là đối tượng được điều chỉnh ngang bằng, song nếu trong dự thảo, người lao động (NLĐ) được nhấn mạnh và bảo vệ quyền lợi khá đầy đủ thì các doanh nghiệp với tư cách là chủ sử dụng LĐ có phần "tủi thân" khi mà vai trò, vị trí của họ được đề cập khá mờ nhạt.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và Thủ công mỹ nghệ TP Hồ Chí Minh khá bức xúc khi vị trí của người sử dụng lao động (NSDLĐ) chưa được xác lập trong dự thảo Bộ luật Lao động. Ông Hạnh đã có những thống kê khá chi tiết. "Dự thảo có cụm từ "người sử dụng lao động có nghĩa vụ" hoặc "phải" được lặp lại trên 60 lần". Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, các mối quan hệ phải qua thương lượng, với sự giám sát của công đoàn, sự tham gia của đại diện tập thể NLĐ vào phương án sử dụng lao động, tiền lương, định mức… hoặc các thủ tục xử lý kỷ luật nhân viên, sa thải cán bộ công đoàn hay đại diện công nhân được quy định rất phức tạp làm giảm quyền quyết định của doanh nghiệp (DN). Việc đào tạo, bồi dưỡng công nhân trước đây được các DN tự nguyện thực hiện như là biện pháp cần thiết nhằm tăng cường tính cạnh tranh về năng suất và chất lượng, nay luật hóa thành trách nhiệm… "Điều này tạo cho NLĐ tâm lý ỷ lại, trở nên chây lười, đòi hỏi quyền lợi không tương xứng, là nguyên nhân gây nên tranh chấp LĐ. Mong muốn của chúng tôi là sự công bằng, khả thi trong điều kiện phù hợp với nguồn lực quản lý của Nhà nước và DN, trình độ hiểu biết của công nhân, là nền tảng loại trừ nguyên nhân tranh chấp lao động" - ông Hạnh bày tỏ.

Ông Phùng Quang Huy - Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đồng tình với quan điểm này và cho biết, tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp thông qua hội thảo, qua các tổ chức hiệp hội và cả ý kiến trực tiếp của DN thông qua website, đều kiến nghị dự thảo Bộ luật Lao động phải bổ sung khái niệm về tổ chức đại diện người sử dụng. "Trong dự thảo cần phải luật hóa quyền hạn, nghĩa vụ của tổ chức đại diện người sử dụng, đặc biệt là các hiệp hội, tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực như quyền tham gia ký kết thỏa ước lao động tập thể, quyền tham gia ủy ban lao động các cấp, ủy ban tiền lương, tham gia các thiết chế hòa giải và giải quyết đình công".

Đại diện một số DN và hiệp hội cũng cho rằng, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã có nhiều tiến bộ, tạo môi trường xây dựng và điều chỉnh mối quan hệ giữa NSDLĐ và NLĐ theo hướng sòng phẳng, minh bạch. Tuy nhiên, các DN nhận thấy nhiều vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung để hoàn chỉnh hơn. Theo ông Lê Văn Đạo - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam là chương Hợp đồng lao động có quy định: "Trách nhiệm cung cấp thông tin khi tiến hành giao kết hợp đồng lao động" trong đó có ghi: "NSDLĐ phải thông báo cho NLĐ về công việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động, mức lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bí mật kinh doanh (nếu có) và các vấn đề liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà NLĐ muốn biết"… nên bỏ cụm từ "bí mật kinh doanh" vì đây là vấn đề thuộc sở hữu trí tuệ. Quyền sở hữu trí tuệ đang là vấn đề được bảo vệ ở phạm vi toàn cầu, việc bắt buộc thông báo bí mật kinh doanh cho NLĐ là không hợp lý.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, trong dự thảo cần phải bổ sung thêm nghĩa vụ của NLĐ thực hiện đầy đủ những quy định của tổ chức và tận lực làm trong nhiệm vụ được giao. "Tại Điều 5, NLĐ có tới 5 quyền, 1 nghĩa vụ là đóng một phần bảo hiểm và 1 nghĩa vụ đối với pháp luật. Không có một nghĩa vụ nào của họ đối với DN, nơi tạo ra công ăn việc làm và thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với họ. Tác động của quy định thiếu công bằng này khiến NLĐ sẵn sàng đòi hỏi mà không cần biết nghĩa vụ của họ là cùng với công ty góp phần làm cho nền kinh tế phồn thịnh. Đây là nguyên nhân tiềm ẩn của sự tranh chấp lao động một khi họ cảm thấy không hài lòng", ông Hạnh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp “đòi” quyền lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.