(HNMO) – Thông tin này được đưa ra tại buổi cung cấp thông tin về triển khai luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi diễn ra chiều 29/12 tại trụ sở Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban thu- BHXH Việt Nam cho biết, từ 1/1/2016 Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực.
Tiền lương tính đóng BHXH có thêm phụ cấp và các khoản bổ sung khác
Theo đó, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc năm 2016 không thay đổi. Cụ thể, người lao động đóng bằng 8% tiền lương tháng đóng BHXH (đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất); người sử dụng lao động đóng bằng 18% tiền lương tháng đóng BHXH (14% vào quỹ hưu trí, tử tuất, 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, 3% vào quỹ ốm đau, thai sản). Tổng tỷ lệ đóng là 26%.
Về tiền lương tháng đóng BHXH, đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng lương theo tháng lương, bảng lương do Nhà nước quy định, từ 1/1/2016, những người hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (công chức, viên chức nhà nước hưởng lương theo Nghị định của Chính phủ, tiền lương để tính đóng BHXH không thay đổi, vẫn đóng BHXH theo tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tuy nhiên, viên chức quản lý chuyên trách trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu đóng BHXH theo hệ số tiền lương quy định tại Nghị định số 51 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc phó giám đốc, kế toán trưởng trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2017, tính đóng BHXH theo mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động. “Như vậy, so với quy định trước đây, tiền lương tính đóng BHXH giai đoạn 2016 - 2017 có thêm khoản phụ cấp lương”, ông Trần Đình Liệu nhấn mạnh.
Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác do doanh nghiệp tự xây dựng làm căn cư thỏa thuận, ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Tại buổi cung cấp thông tin về triển khai luật Bảo hiểm xã hội |
So với quy định tại Luật BHXH năm 2006, các điểm mới theo quy định này là: Người lao động trong doanh nghiệp nhà nước hưởng lương theo hệ số theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 24/12/2004, trước năm 2016 đang đóng, hưởng BHXH theo hệ số, từ ngày 1/1/2016 trở đi tính đóng BHXH theo tiền lương ghi trong HĐLD như những người lao động làm việc trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, bình đẳng giữa 2 khu vực.
Tiền lương đóng BHXH từ ngày 1/1/2016 là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động gồm thêm phụ cấp lương và từ ngày 1/1/2018 thêm cả các khoản phụ cấp khác.
Ngoài ra, Luật cũng quy định về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đó là cán bộ xã không chuyên trách (thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất); người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài (không nhất thiết đã tham gia BHXH trước khi đi); người lao động theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến 3 tháng (từ năm 2018); lao động là người nước ngoài.
Trả lời câu hỏi của báo chí về số nợ BHXH và biện pháp xử lý với doanh nghiệp nợ, trốn BHXH, ông Trần Đình Liệu cho biết, tính đến thời điểm này, số nợ đóng BHXH là 9.300 tỷ đồng. “Tuy nhiên, càng đến cuối năm, do việc đôn đốc thu mạnh nên đến hết năm nay, số nợ sẽ còn khoảng 5.000-6.000 tỷ đồng”, ông Liệu nói.
Về biện pháp xử lý doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm, ông Liệu cho biết, năm 2016 có nhiều công cụ xử lý hơn khi theo Luật BHXH, cơ quan BHXH được phép tranh tra chuyên ngành về những đơn vị đã đóng bảo hiểm và chưa đóng bảo hiểm. Đồng thời, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với cơ quan thuế để rà soát giữa đóng BHXH và quyết toán thuế của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, từ 1/7/2016, Bộ Luật hình sự có hiệu lực, trong đó quy định nếu giả mạo hồ sơ, trốn đóng, chậm đóng, trục lợi BHXH bảo hiểm y tế (BHYT) đều bị khởi tố hình sự. “Như vậy, về mặt pháp luật, Quốc hội đã rất hướng đến người lao động”, ông Liệu nhấn mạnh.
Không bao giờ vỡ Quỹ BHXH
Với thắc mắc về việc đưa một số phụ cấp lương và khoản bổ sung khác vào đóng BHXH sẽ gây áp lực với doanh nghiệp, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH -Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, tháng 11 vừa qua, Bộ LĐ-TB-XH đã có thông tư hướng dẫn, nói rõ các khoản tiền lương, các khoản phụ cấp (loại xác định theo đầu vào, ghi trong hợp đồng lao động và loại không xác định từ trrước mà chỉ căn cứ hiệu quả làm việc của người lao động), và các khoản bổ sung khác khác cũng có 2 loại là xác định trrước và chưa xác định trước. Một số loại không đưa vào phụ cấp hoặc bổ sung như tiền thưởng, xăng xe, hỗ trợ nuôi con nhỏ, tiền nhà ở …
Bà Nga cho biết, Quốc hội nâng nền tiền lương đóng BHXH nhằm mục địch làm sao cho đời sống của người hưởng BHXH được nâng lên trong quá trình làm việc (khi sinh con chế độ thai sản cao hơn) và khi nghỉ hưu, bởi người về hưu thu nhập thấp.
Vì biết khi thực hiện Luật BHXH sửa đổi từ năm tới, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nên Quốc hội quyết định thực hiện năm 2016 tính đóng BHXH theo mức lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động; đến đến năm 2018 mới thực hiện đóng BHXH với cả các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. “Với việc thực hiện lộ trình như vậy, doanh nghiệp có thể chịu đựng được, bà Nga nói.
Vụ trưởng Vụ BHXH -Bộ LĐ-TB-XH cũng tâm sự, thời gian qua nhiều báo chí đã viết về việc chuẩn bị thực hiện Luật BHXH sửa đổi, trong đó có báo nhấn mạnh nguy cơ vỡ Quỹ BHXH “Không bao giờ có chuyện vỡ Quỹ BHXH. Nếu Quỹ gặp khó khăn, Nhà nước sẽ có thay đổi chính sách để bảo đảm cho Quỹ”, bà Nga khẳng định.
Ông Phạm Minh Huân- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH bổ sung, mục tiêu số một và quan trọng hàng đầu của Luật BHXH là tìm mọi cách, mọi biện pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH để đời sống của người dân, đặc biệt là người về hưu được đảm bảo. Bên cạnh đó, đây còn là quá trình điều chỉnh đóng bảo hiểm để bảo đảm bền vững Quỹ bảo hiểm, chính sách bảo hiểm; đổi mới tổ chức thực hiện, tăng cường đổi mới quản lý nhà nước, có chế tài để bảo đảm những doanh nghiệp sử dụng lao động đóng bảo hiểm cho người lao động.
Thứ trưởng Huân cho biết, đóng BHXH mới như thế nào sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể. Dù cố gắng nhưng hệ thống văn bản hướng dẫn có thể không kịp ra trước ngày 1/1/2016. Vì thế, với những lao động trong doanh nghiệp nhà nước, hưởng lương theo hệ số theo Nghị định 2015, trước năm 2016 đang đóng, hưởng BHXH theo hệ số thì từ 1/12016 trở đi tính đóng BHXH theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, việc này các doanh nghiệp đã được các cơ quan chức năng chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhưng đòi hỏi thời gian. Hiện nhiều doanh nghiệp đã xây dựng khá tốt, còn một bộ phần doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp địa phương triển khai xây dựng chậm. “Vì vậy, trước mắt, tháng 1/2016 có thể vẫn thu BHXH theo bảng lương cũ, đến hết quý 1/2016 phải thu theo bảng lương được xây dựng mới”, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.