(HNM) - Theo ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tiền tệ quốc gia, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam rơi vào bất ổn kinh tế vĩ mô. Đó là thị trường tài chính bị đẩy lên làm tổng tài sản tài chính vượt quá giá trị tài sản thực (bất động sản (BĐS), chứng khoán) gây bất ổn thị trường tài chính.
Đẩy mạnh giải quyết hàng tồn kho, xử lý nợ xấu là việc cần làm ngay để cứu doanh nghiệp, khơi thông sự phát triển kinh tế. Ảnh: Việt Hương |
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hẹp sản xuất
Trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) phải chịu "tổn thương" nhiều nhất. Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNVVN cho biết, hàng loạt DN đang rơi vào tình trạng thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh (SXKD), chỉ có 30% DN tiếp cận được vốn từ ngân hàng, số còn lại sử dụng vốn tự có hoặc vay vốn từ nguồn khác, trong đó nhiều DN vẫn phải chịu lãi suất 18%/năm. Ngày càng ít DN đáp ứng được điều kiện vay vốn do không được nợ thuế, nợ lãi suất quá hạn. DN còn phải đối mặt với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sức tiêu thụ của thị trường giảm, hàng tồn kho, nhất là BĐS, vật liệu xây dựng... tăng cao, nên nhiều DN đã phải thu hẹp sản xuất.
Cũng theo ông Cao Sỹ Kiêm, một trong những trở ngại cố hữu của các DN ngoài quốc doanh là tỷ lệ DN tham gia các chương trình hỗ trợ của Chính phủ như xúc tiến thương mại, đổi mới khoa học công nghệ... còn khiêm tốn, chỉ dưới 10% mặc dù hàng năm đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, với các chính sách hỗ trợ về vốn như bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ tín dụng, 55% DN gặp trở ngại về thủ tục, 80% do lãi suất không phù hợp... Chưa kể các DNVVN thường khó tiếp cận mặt bằng sản xuất, chịu chi phí không chính thức lớn và luôn thiếu thông tin... Ngay nội tại DN cũng gặp trở ngại khi hàm lượng khoa học công nghệ và năng lực đổi mới rất thấp, chỉ có 0,025% lao động là nhà khoa học, chuyên gia; 80-90% máy móc, công nghệ sử dụng trong DN được nhập khẩu, 76% đã được sử dụng từ những năm 1980-1990 và 75% đã hết khấu hao. Ông Trương Đình Tuyển và ông Cao Sỹ Kiêm đều cảnh báo, việc gia tăng số lượng DN thành lập mới phản ánh tình trạng tiêu cực là DN không thể tiếp cận với vốn tín dụng do vướng nợ quá hạn đã phải "lách" bằng cách đăng ký khai sinh mới.
Doanh nghiệp giải cứu
Tại hội thảo về giải pháp phát triển SXKD do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế, Hiệp hội DNVVN cùng một số trường đại học tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Trương Đình Tuyển nhận định, kinh tế vĩ mô đã từng bước ổn định, nhưng chưa vững chắc; tăng trưởng giảm, song vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khu vực DN. Vì vậy, giải pháp ngắn hạn và cấp bách là phải đẩy mạnh giải quyết hàng tồn kho, khắc phục cầu thị trường yếu; khẩn trương xử lý nợ xấu, trong đó Nhà nước phải đóng vai trò cơ bản. Ông Tuyển ví hàng tồn kho, nợ xấu hiện nay như "cục máu đông" của nền kinh tế. Mặc dù "căn bệnh" lạm phát phải điều trị tích cực, song dù điều trị bằng cách nào vẫn phải duy trì sự lưu thông của "mạch máu" nếu không "con bệnh" sẽ chết.
Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, Nghị quyết 13 của Chính phủ ban hành hồi tháng 5-2012, trong chừng mực nào đó đã tháo gỡ khó khăn cho SXKD thông qua giãn, hoãn, giảm thuế...; song dường như vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của đại bộ phận DN cả về cách thức, quy mô và mức hỗ trợ. Chính phủ chưa đánh giá hết mức độ nghiêm trọng của vấn đề nên giải pháp xử lý chưa đủ liều. Quý I-2012 lãi suất cho vay hơn 20%/năm khiến các DN điêu đứng. Đến cuối quý III-2012, chỉ số phát triển công nghiệp cũng chỉ đạt khoảng 4,8%, thấp xa so với cùng kỳ năm 2011 (7,8%). Từ tháng 6-2012, tổng cầu tiêu dùng được cải thiện, song nếu loại trừ yếu tố giá cũng chỉ tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Khó khăn trong tiêu thụ không chỉ làm tồn kho tăng mà còn khiến hàng loạt DN rơi vào cảnh nợ nần trong khi đó chính quyền địa phương lại nợ DN đến 91.000 tỷ đồng vốn đầu tư. Sự co lại của tổng cầu tiêu dùng là hệ quả trực tiếp của lạm phát cao và các biện pháp thắt chặt chính sách kinh tế vĩ mô chống lạm phát.
Vì vậy, vấn đề then chốt để tháo gỡ khó khăn là giảm giá sản phẩm hàng hóa dịch vụ, kích thích tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho đi đôi với tăng cầu có khả năng thanh toán thông qua cải thiện thu nhập khả dụng và tăng niềm tin tiêu dùng cho toàn xã hội. Chỉ có như vậy mới đảo ngược được xu thế tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng kể. Hầu hết các DN còn mong muốn được miễn, giảm thuế, chẳng hạn giảm 50% thuế GTGT, thậm chí hạ thuế GTGT phổ thông từ 10% xuống 5% đủ để DN có điều kiện giảm giá bán, kích thích tiêu thụ, giảm tồn kho; mở rộng hơn nữa đối tượng được miễn giảm thuế GTGT, thuế thu nhập DN... Thậm chí có thể xem xét hạ thuế thu nhập DN từ 25% xuống 20-22%; được tiếp cận vốn tín dụng lãi suất hợp lý để duy trì SXKD. Các DN cũng mong Chính phủ cân nhắc thận trọng trong quản lý và điều hành thị trường giá nguyên vật liệu thiết yếu, như điện, xăng, dầu, than…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.