(HNM) - Trong khi người làm hàng giả, hàng nhái "chuyên nghiệp" đến mức thuê cả công ty luật tư vấn nhằm khai thác những thiếu sót, bất cập trong luật để đối phó thì một số doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả lại không muốn hợp tác với cơ quan chức năng chống hàng giả vì sợ người tiêu dùng biết sản phẩm của mình bị làm giả! Sự thiếu hợp tác này càng làm "cuộc chiến" chống hàng giả, hàng nhái gian nan hơn.
Sản xuất hàng giả quy mô… công nghiệp
Ông Lý Ngọc Thắng, Đội trưởng Đội quản lý thị trường 3A (Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh) cho biết, hàng giả trong những năm gần đây diễn biến rất phức tạp. Địa bàn kinh doanh hàng giả thường ở các quận 1, 5, 6, Tân Bình và tập trung nhiều ở các chợ đầu mối như Bến Thành, An Đông, Kim Biên, Bình Tây, Tân Bình, Trung tâm Thương mại Saigon Square… Việc sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, phổ biến là dùng hàng kém chất lượng hoặc các nguyên liệu rẻ tiền pha trộn chung với hàng thật (bột ngọt, phân bón…); làm hàng giả dán nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng (quần áo, giày dép, mực in…). Vì lợi nhuận, một số nhà phân phối cũng tiếp tay hàng nhái, hàng giả bằng cách bán chung cả hàng thật và hàng giả khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt. Đặc biệt, người làm hàng giả, hàng nhái hiện nay còn "chuyên nghiệp" đến mức thuê cả công ty luật tư vấn nhằm khai thác những thiếu sót, bất cập trong luật để đối phó với cơ quan chức năng!
Ông Thắng cho biết, thời gian gần đây có thêm hình thức sản xuất hàng giả, hàng nhái mới, đó là núp bóng danh nghĩa gia công hàng xuất khẩu để sản xuất với quy mô công nghiệp. Trong năm qua, một số vụ sản xuất hàng giả quy mô công nghiệp lớn đã bị phát hiện. Điển hình là Đội QLTT 3A phát hiện Công ty TNHH Quốc tế Việt (quận Tân Phú) đặt hàng cho Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tân Quang Minh (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh) và Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Quang Minh (Khu công nghiệp Cát Lái, quận 2) sản xuất nước tăng lực đóng lon mang dấu hiệu "Arabao và hình", xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu "Carabao và hình" của Công ty Carabao Tawandang Co.Ltd, Thailan đang được bảo hộ tại Việt Nam, còn hiệu lực đến ngày 15-1-2014.
Công tác xử phạt những vụ việc sản xuất hàng giả quy mô lớn núp bóng gia công hàng xuất khẩu rất khó khăn do các doanh nghiệp (DN) cho rằng, nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp không quy định xử phạt với hành vi xuất khẩu. Thực tế, trong suốt quá trình kiểm tra và xử lý, Công ty Quốc tế Việt luôn dựa vào hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài (là Công ty Nawi Noor Arafat Limited, Afghanistan) để gây sức ép và cố tình trì hoãn đối với cơ quan kiểm tra. Tuy nhiên, UBND TP đã ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 công ty trên, phạt hơn 1 tỷ đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm nhãn hiệu.
Doanh nghiệp thờ ơ
Theo cơ quan QLTT TP, do hệ thống văn bản pháp luật chưa hoàn thiện, chồng chéo nên quá trình kiểm tra, xử phạt còn nhiều vướng mắc. Việc chống hàng giả, hàng nhái còn khó khăn ở chỗ không ít DN có hàng hóa bị làm giả cũng… không muốn hợp tác trong "cuộc chiến" chống hàng giả! Một số DN phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả đã không báo cáo, không phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý, thậm chí khi QLTT thông báo bắt được hàng giả, hàng nhái có DN còn đề nghị… không thông tin cho người tiêu dùng biết và âm thầm "sống chung với lũ" dù bị thiệt hại vì sợ ảnh hưởng đến uy tín, người tiêu dùng sẽ e dè với sản phẩm của DN. Chính vì vậy, theo một cán bộ QLTT, khi cơ quan chức năng bắt được hàng giả, báo cho DN đến đối chiếu, giám định thì có khi DN không đến. Vì không có sự hợp tác của DN, không có chứng từ cần thiết để đối chiếu nên QLTT không thể kết luận sản phẩm bị bắt giữ là hàng giả.
Trong lúc một số DN thờ ơ thì BQL một số chợ, trung tâm thương mại… cũng chưa thực sự hợp tác với QLTT trong "cuộc chiến" chống hàng giả. Vì thiếu sự phối hợp, cộng với công tác quản lý địa bàn cũng yếu kém nên khi QLTT kiểm tra xử phạt xong thì… đâu lại vào đấy!
Trước thực trạng một số DN thiếu hợp tác khiến việc chống hàng giả, hàng nhái khó khăn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với QLTT làm rõ trách nhiệm đối với người tiêu dùng và xã hội của các đơn vị, DN này. Còn với BQL các chợ, siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại, nếu nhiều lần kiểm tra phát hiện hàng giả mà vẫn không thiện chí hợp tác với cơ quan chức năng, liên tục để tồn tại thì đề xuất với UBND TP để xử lý nghiêm để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các DN làm ăn chân chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.