(HNMO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ảnh minh họa |
Theo dự thảo nghị định này, thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác quy định.
Đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và có thu nhập khác thì thu nhập này được xác định là thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở.
Thu nhập khác bao gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng vốn bao gồm thu nhập từ việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp đang hoạt động, chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng quyền góp vốn và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật. Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.
Thu nhập từ quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản bao gồm kể cả thu nhập từ tiền thu về bản quyền dưới mọi hình thức, thu về quyền sở hữu trí tuệ, thu nhập từ chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật. Cho thuê tài sản dưới mọi hình thức.
Thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản (trừ bất động sản), trong đó có các loại giấy tờ có giá khác.
Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ bao gồm: lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn. Thu nhập từ bán ngoại tệ; khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính (trừ chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp mới thành lập mà tài sản cố định này chưa đưa vào sản xuất kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính); khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ (riêng đối với khoản nợ phải thu chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ là khoản chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái tại thời điểm thu hồi nợ với tỷ giá hối đoái tại thời điểm ghi nhận khoản nợ phải thu).
Hoàn nhập các khoản dự phòng (trừ khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi và dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa tại doanh nghiệp; hoàn nhập khoản trích lập quỹ dự phòng tiền lương), Các khoản trích trước vào chi phí nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hết theo kỳ hạn trích lập.
Ngoài ra còn là khoản nợ khó đòi đã xóa nay đòi được; khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ; khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót phát hiện ra; chênh lệch giữa thu về tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng kinh tế trừ (-) đi khoản bị phạt, trả bồi thường do vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật; các khoản tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật nhận được, trừ khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hoá, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam.
Chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để góp vốn, điều chuyển khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp cũng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Khoản thu khác còn gồm thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam; thu nhập từ bán phế liệu, phế phẩm không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh đang được hưởng ưu đãi thuế vàcác khoản thu nhập khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, điểm đáng chú ý tại dự thảo nghị định này là thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ bao gồm: lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn phải đóng thuế thu nhập.
Về việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, trước đó vào khoảng cuối tháng 2 đầu tháng 3, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM đã có đề xuất đánh thuế thu nhập những khoản tiền gửi tiết kiệm từ mức 500 triệu đồng trở lên nhằm hướng dòng tiền trong dân thay vì gửi ngân hàng đổ vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, đề xuất này đã có nhiều ý kiến phản đối với bởi nếu đánh thuế tiền gửi, thì doanh nghiệp và người dân phải chịu quá nhiều loại thuế. Hơn nữa, số tiền có được để gửi ngân hàng cũng đã phải chịu thuế thu nhập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.