(HNM) - Sau 3 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp cả nước, từng bước làm chuyển biến diện mạo nông thôn.
Bài toán khó
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, nhiều địa phương đã chủ động huy động nguồn lực tại chỗ để triển khai các chương trình xây dựng NTM và đạt kết quả khả quan. Đến nay, đã có 95,7% số xã trên cả nước triển khai quy hoạch xây dựng NTM, trong đó 83,5% tổng số xã có quy hoạch được duyệt, 64% số xã đã có đề án xây dựng NTM. Trên cả nước cũng đã có 9.000 hạng mục công trình được triển khai, trong đó có khoảng 38.000km đường giao thông, 15.000km kênh mương được mở mới. Cả nước cũng đã xây dựng được 7 nghìn mô hình, hỗ trợ 6.400 tỷ đồng cho phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân.
Bê tông hóa đường làng ngõ xóm ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất. Ảnh: Bá Hoạt |
Tuy đã đạt được một số kết quả đáng phấn khởi nhưng vốn cho chương trình NTM vẫn là bài toán khó. Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Nguyễn Minh Tiến dẫn chứng, khởi đầu, chương trình NTM đặt ra cơ cấu vốn nhà nước là 40%; doanh nghiệp, HTX là 20%; vốn tín dụng 30%; dân, cộng đồng đóng góp 10%. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, kinh phí nhà nước đang bỏ ra là 50-58%, doanh nghiệp (10-12%), tín dụng (10-12%) và dân đóng góp 15-20%. Trong khi đó, ngân sách còn thấp so với nhu cầu và mục tiêu. Cụ thể là năm 2011 mới đáp ứng được khoảng 23%, năm 2012 đáp ứng được khoảng 30%. Cả giai đoạn 2015, dự kiến đáp ứng được khoảng 40% so với nhu cầu.
Ngay tại Hà Nội, vấn đề vốn trong xây dựng NTM cũng rất nan giải. Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Vân cho biết, theo Nghị quyết HĐND TP, kinh phí xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 định hướng đến 2030 là 32.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 80 tỷ đồng/xã) nhưng thực tế, kinh phí cho mỗi xã cần khoảng 250-300 tỷ đồng, cả thành phố cần khoảng 120.000 tỷ đồng. Do thiếu vốn nên không ít công trình đang phải "dậm chân tại chỗ" chờ vốn. Đặc biệt, việc huy động vốn từ các doanh nghiệp không đạt mục tiêu đề ra. Tại huyện Ba Vì, Trưởng phòng Tài chính huyện Ngô Vi Khả dẫn chứng, ngoài nguồn vốn thành phố hỗ trợ, còn có vốn của huyện, xã đối ứng. Tuy nhiên, Ba Vì là huyện nghèo, thu ngân sách hằng năm chỉ đạt hơn 90 tỷ đồng, trong khi chi lên tới 1.400 tỷ đồng, thành phố vẫn phải cấp bù kinh phí hoạt động nên không bố trí được vốn cho xây dựng NTM. Trong khi đó, việc huy động người dân đóng góp rất khó khăn.
Tháo gỡ cách nào?
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, Chương trình Mục tiêu quốc gia về NTM là một chương trình tập trung vào cấp xã, thôn và hộ gia đình. Đây là chương trình phục vụ nhân dân, phải huy động sức đóng góp của nhân dân. Và trên thực tế, người dân đã và đang đóng góp rất lớn cho chương trình xây dựng NTM. Ông Phát cho rằng, nguyên tắc của chương trình NTM là người dân phải được thảo luận và được quyết định mức đóng góp, chọn công trình đầu tư, quy mô đầu tư cho phù hợp với điều kiện của dân. Việc đóng góp phải hoàn toàn tự nguyện, các địa phương không được áp đặt mức đóng góp bắt người dân phải theo.
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, cần tập trung ưu tiên cho hai nội dung chính là tạo việc làm để tăng thu nhập cho cư dân và xây dựng nếp sống văn minh ở nông thôn. Ông Sơn cũng kiến nghị, cần phát huy dân chủ cơ sở, huy động vai trò chủ động của nhân dân tham gia quản lý các hoạt động của chương trình. Hai là phát huy nội lực nhằm thu hút mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư về nông thôn. Cuối cùng là đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát nhằm đánh giá một cách khách quan hiệu quả và tiến độ của chương trình NTM.
Xây dựng NTM, quan trọng là hỗ trợ người dân phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập. Mỗi xã nên tập trung vào 1-2 sản phẩm hàng hóa ưu thế của địa phương và Nhà nước hỗ trợ công tác khuyến nông để sản xuất có hiệu quả. Khi xây dựng cơ sở hạ tầng, cần lựa chọn các giải pháp tối ưu, trong đó mục tiêu là đáp ứng tiêu chí hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. "Xây dựng NTM không chỉ đầu tư cho cơ sở hạ tầng, mà quan trọng là người dân phải có môi trường sống và đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần tốt hơn. Đây là các tiêu chí không chỉ nhiều tiền mà có nên các địa phương cần tập trung triển khai" - Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.