(HNM) - Báo Hànộimới số ra ngày 8-1-2015, đã đăng bài
Cam kết thu mua sữa giữa doanh nghiệp và nông dân cần rõ ràng. Ảnh: Bá Hoạt |
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường, trên địa bàn huyện Gia Lâm có 14 trạm thu gom sữa của Công ty IDP, Vinamilk, Hanoimilk, Công ty TNHH Nguyễn Hồng; trong đó Công ty IDP thu mua với sản lượng 6.420 kg/ngày. Việc tiêu thụ sữa của nông dân có gặp khó khăn do chính sách thắt chặt thu gom sữa của Công ty IDP, sản lượng sữa còn lại, người chăn nuôi vẫn bán được cho một số doanh nghiệp thu mua, chế biến khác trên địa bàn, dù giá giảm từ 2.000-4.000 đồng/kg. Qua kiểm tra thực tế tại cơ sở, trung tâm thấy tình hình thu gom, tiêu thụ sữa của nông dân có biến động, song không có việc đổ sữa ra đường. Tuy nhiên, hiện người dân trên địa bàn huyện Gia Lâm đang gặp khó khăn về đầu ra. Ông Nguyễn Đức Dư, là hộ chăn nuôi ở xã Dương Hà (Gia Lâm), đồng thời cũng là chủ trạm thu mua sữa cho Công ty IDP lo lắng: Khoảng 1 tháng nay, giá sữa giảm từ 14.000 đồng/kg xuống còn 12.200 đồng/kg, nhưng trạm vẫn phải trả dân trên 13.000 đồng/kg. Trung bình trạm thu mua sữa trong dân là 1,56 tấn/ngày, song Công ty IDP chỉ mua có 1,35 tấn/ngày, số còn lại trạm phải bán cho các cửa hàng làm bánh sữa với giá chỉ 5.000 đồng/kg, nên mỗi ngày trạm phải bù lỗ 1,7 triệu đồng. Do vậy, gia đình phải bán 15 con bò, hiện chỉ còn trên 20 con, nếu tình trạng này còn kéo dài, thời gian tới thì nguy cơ phá sản rất lớn.
Phó Tổng Giám đốc Công ty IDP Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, vào mùa hè xuất hiện tình trạng các trạm thu mua sữa không bán đủ số lượng cho công ty mà bán ra ngoài; mùa đông, các trạm lại bán cho công ty số lượng tăng lên từ 50-58%, khiến cho doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất. Hiện giá sữa vẫn giữ nguyên, công ty chỉ giảm phần hỗ trợ vệ sinh chuồng trại cho người dân, nhưng công ty cam kết mua hết sản lượng sữa sản xuất trong dân như trong hợp đồng đã ký. Đến tháng 3-2015, công ty sẽ ký hợp đồng với các trạm thu mua để tiêu thụ ổn định, còn đối với hộ dân sẽ tạo điều kiện ký với hộ nuôi quy mô lớn. Hợp đồng kinh tế phải có cam kết rõ ràng giữa các bên, nếu bên nào sai chịu trách nhiệm hoàn toàn, công ty không "chạy" theo các trạm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng, đề nghị chính quyền địa phương cần tuyên truyền để người dân yên tâm duy trì chăn nuôi bò sữa, song phát triển theo quy hoạch; Công ty IDP và một số công ty khác tăng cường thu mua hết sản lượng sữa cho dân cũng như có chính sách đầu tư nâng cấp, cải tạo nhà xưởng, dụng cụ chuyên ngành phục vụ cho việc thu gom và bảo quản sữa. Năm 2015, đề nghị Công ty IDP ký hợp đồng sớm với hộ dân, quy định rõ trách nhiệm giữa các bên và ghi rõ giá sữa là bao nhiêu, hỗ trợ vệ sinh chuồng trại thế nào để tránh gây hiểu lầm cho người dân. Công ty nên có chung một chính sách thu mua và hỗ trợ giữa các vùng bò sữa để không thiệt hại cho dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.