(HNM) - Đoàn vũ kịch Khám phá (Discovery) vừa công diễn một trong những vở ba lê nổi tiếng nhất thế kỷ XX -
Năm 2004, khán giả Thủ đô đã không ngớt khen ngợi khi ThS Nguyễn Thị Tuyết Minh (hiện là Phó Giám đốc sân khấu thể nghiệm, ĐH SKĐA Hà Nội) cùng Nguyễn Hồng Phong táo bạo thử sức với "Carmen" cũng trên sân khấu Nhà hát Lớn. Nhưng lần này, với vai trò tổng đạo diễn và biên đạo, Tuyết Minh đẩy Carmen đến gần với hiện tại hơn khi biên đạo theo cách nhìn hiện đại và "gu" của người Việt thời điểm này.
Các vũ công Đoàn kịch Khám phá trình diễn vở ba lê “Carmen”. |
Mong muốn của Đoàn vũ kịch Khám phá là đưa khán giả Việt trở lại với múa, quan tâm và tiếp cận múa nhiều hơn. Họ chọn giải pháp an toàn là đưa vở "Carmen" công diễn, bởi vở ngắn (75 phút), có ít tuyến nhân vật. Ý nghĩa của vở diễn cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Với nữa, ít nhiều nhắc đến ba lê, người ta đã liên tưởng ngay đến "Hồ thiên nga" hay "Carmen". Quả đúng vậy, khi ánh sáng mờ đi, âm nhạc cất lên - thứ âm nhạc rộn ràng và ám ảnh - người xem đã nhập cuộc ngay với cái sôi nổi của những chàng trai, cô gái Di gan.
Vai Carmen do Vũ Hương Giang đảm nhận tươi tắn và mạch lạc. Giang có gương mặt sắc sảo và giàu biểu cảm. Người ta bắt được ngay cái hồn của cô gái Di gan phóng khoáng khi cô xoay vần và chuyển động tự do trên sân khấu. Chàng lính của Cao Chí Thành đặc biệt hấp dẫn, đúng với danh hiệu "hoàng tử múa của Việt Nam": hình thể đẹp, mái tóc dài lãng tử cùng những cú tung mình uyển chuyển, dẻo dai. Tâm trạng rối bời, nỗi nhớ da diết khi để vuột mất người tình, những kiếm tìm, sự thù hận, bất lực… Thành diễn đạt và giàu cảm xúc. Đến với "Carmen", Thành không chỉ đảm nhiệm vai nam chính mà còn cùng với Tuyết Minh biên đạo, hướng dẫn các diễn viên trẻ. Chính Tuyết Minh cũng chia sẻ, may mắn là chị có được sự cộng tác nhiệt tình của bạn diễn lâu năm trước đây và dàn diễn viên học trò trẻ, tài năng.
Tấm phông đen phân lớp với hình đầu bò tót điểm những cánh quạt nhiều màu sắc; ánh sáng được chủ ý sử dụng màu nóng như vàng, đỏ, cam... cùng trang phục bắt mắt của diễn viên phù hợp khắc họa cuộc chiến đấu xuyên suốt của các nhân vật trong mối tình tay ba kịch tính: chàng lính - Carmen - võ sĩ đấu bò tót. Những màn múa là sự giao thoa của ba lê cổ điển và hiện đại, bớt cầu kỳ hơn. Còn có đâu đó dáng dấp của múa truyền thống trong cách sử dụng quạt sinh động của diễn viên. Ghế được sử dụng khá nhiều, như một điểm tựa cho diễn viên, cũng rất hợp với khung cảnh phần lớn diễn ra ở quán bar. Một thử nghiệm ở cảnh chúc mừng võ sĩ đấu bò chinh phục được Carmen không có nhạc mà dùng tiếng vỗ tay, khác hẳn với nước ngoài. Tiếc là hình thể của diễn viên hơi nhỏ bé và không đồng đều. Đôi khi trang phục rườm rà quá khiến các điệu múa không được thoát, dáng của diễn viên cũng dễ bị ngợp. Và âm nhạc, giá như có được nhạc sĩ cùng dàn nhạc chơi trực tiếp thì tác phẩm sống động hơn nhiều.
Xét về mặt kỹ thuật và cách thể hiện, vở diễn chưa có sáng tạo đặc biệt nhưng "Carmen" vẫn nhẹ nhàng, giản dị đi vào lòng khán giả. Người xem không bị gặp lối mòn cũ kỹ mà tiếp nhận được cái tự do, nồng nhiệt, sống hết mình cho lý tưởng. Hy vọng rằng sẽ còn nhiều vở diễn ba lê mới được dàn dựng, bởi rõ ràng, khán giả Thủ đô không thờ ơ với những câu chuyện vẫn "thời sự" này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.