Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đoàn kết mang lại thành công

Nhóm PV Nội chính - Xây dựng Đảng| 17/11/2014 06:16

(HNM) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết trong Đảng. Đây cũng là nội dung quan trọng được Người đề cập trong bản Di chúc để lại cho muôn đời sau. Và lời căn dặn của Người đã trở thành tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động của Đảng ta trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.


Vai trò nòng cốt

Trong văn bản viết năm 1965, nội dung đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập là đoàn kết trong Đảng: Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người cũng nhấn mạnh: Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Nguyên văn hai đoạn này được Người tiếp tục nhắc lại trong Di chúc viết năm 1969.

Quan điểm về đoàn kết, trong đó có đoàn kết trong Đảng, cũng chính là nội dung xuyên suốt tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh trong quá trình Người sáng lập, rèn luyện, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng và trong lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc cũng như cách mạng xã hội chủ nghĩa nói chung. Đoàn kết cũng chính là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển, nâng tầm thành cơ sở lý luận cách mạng khoa học. Người viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta từ xưa đến nay. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn; nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn tập hợp được lực lượng dân chúng, muốn phát triển lực lượng cách mạng thì cần phải đoàn kết rộng rãi các tầng lớp xã hội, lấy công - nông - trí thức làm nòng cốt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị đại biểu Việt Minh - Liên Việt năm 1951, Người khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Người cũng đúc rút một chân lý; đồng thời cũng là một triết lý nhân sinh, triết lý hành động: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đoàn kết trong Đảng, coi đó là nòng cốt để phát triển đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng Cộng sản là người khởi xướng, vun đắp, lãnh đạo khối đại đoàn kết. Vì vậy, đoàn kết trong Đảng phải là mẫu mực, tiêu biểu để dân chúng noi theo, tin tưởng. Đoàn kết trong Đảng là vấn đề sống còn về chính trị, tư tưởng, tổ chức của Đảng, của cách mạng. Mỗi đảng viên, dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau đều phải đoàn kết, nhất trí để làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao cho; phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Cách mạng nhất định thành công. Ta thành công chính vì ta đoàn kết, quyết tâm, tin tưởng”. Di chúc cũng cho thấy Người đã khái quát hóa một trong những bài học thành công của cách mạng Việt Nam tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác là nhờ đoàn kết chặt chẽ trong Đảng.

Điểm tựa quan trọng

Giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, đất nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đổi mới để tồn tại và phát triển đã trở thành một đòi hỏi sống còn mà thực tiễn đặt ra cho Đảng lúc bấy giờ. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội lần thứ VI (năm 1986) của Đảng đã chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn của đất nước. Đại hội đã rút ra 4 bài học kinh nghiệm, trong đó bài học thứ tư là “Tăng cường sự đoàn kết nhất trí, sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng”. Liên tiếp các kỳ Đại hội VII (1991), Đại hội VIII (1996), Đại hội IX (2001), Đại hội X (2006) Trung ương Đảng đánh giá, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm và giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có vấn đề đoàn kết trong Đảng. Cương lĩnh “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” được thông qua tại Đại hội VII đã khẳng định: “Đoàn kết là truyền thống quý báu và là bài học lớn của cách mạng nước ta”.

Những năm gần đây, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, các thế lực thù địch không ngừng gia tăng chống phá, âm mưu “Diễn biến hòa bình” nhằm chia rẽ, làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc..., một số tổ chức Đảng có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, chậm được khắc phục; chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, lợi ích nhóm, tư tưởng cục bộ địa phương có chiều hướng gia tăng, chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Kỷ cương, kỷ luật ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực chưa nghiêm... Thực tiễn trên đòi hỏi toàn Đảng phải nâng cao tinh thần đoàn kết, thống nhất để chèo lái đất nước vượt qua khó khăn, thách thức. Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XI của Đảng (năm 2011) đã nhấn mạnh phương hướng, nhiệm vụ công tác trong nhiệm kỳ tới: Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; công tác tư tưởng phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội; tập trung chỉ đạo, củng cố những tổ chức Đảng yếu kém, nội bộ mất đoàn kết... Đây là những điểm mới trong quan điểm về đoàn kết trong Đảng.

Đại hội lần thứ XI đã thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Hội nghị lần thứ tư BCH TƯ Đảng (khóa XI) đã ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Hội nghị lần thứ sáu BCH TƯ Đảng (khóa XI) đã xem xét, thảo luận, cho ý kiến về kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI). Thông báo hội nghị đã chỉ rõ, đoàn kết vừa là một tư tưởng chỉ đạo hoạt động tự phê bình và phê bình, vừa là một điểm tựa quan trọng để “lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát huy những kết quả bước đầu quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế yếu kém, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực sự là Đảng cách mạng chân chính, gắn bó máu thịt với nhân dân”.

Thực hiện nghiêm túc và sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng về đoàn kết trong Đảng và Hội nghị TƯ 4 (khóa XI) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ góp phần quan trọng để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng cũng sẽ tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, hiện thực hóa mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đoàn kết mang lại thành công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.