(HNM) - Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII đã kết thúc tốt đẹp.
Là ĐBQH đã nhiều năm, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Đoàn Nam Định) cho rằng, tại hầu hết các nhiệm kỳ khóa trước, kỳ họp cuối cùng chỉ dành cho việc tổng kết mang tính nội bộ hoạt động của Quốc hội cũng như các cơ quan do Quốc hội bầu ra. Tại kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã làm nhiều việc quan trọng, đó là ngoài việc tổng kết nhiệm kỳ theo thông lệ của những khóa Quốc hội trước đây, tiến hành xem xét miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của Nhà nước.
Thể hiện ấn tượng mạnh mẽ trước việc lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao sau khi được bầu đã tuyên thệ trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước, ĐB Đinh Huy Chiến (Đoàn Thái Nguyên) khẳng định: Những lời hứa đó đã mang lại niềm tin cho nhân dân, cử tri cả nước. Cùng quan điểm, ĐB Lê Nam (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, nội dung và ý nghĩa của tuyên thệ rất tốt. Đó là sự cam kết của các đồng chí đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội), cái được nữa của kỳ họp thứ mười một là tinh thần đoàn kết, trí tuệ, đổi mới thực sự và yếu tố "gần dân" trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đối với mỗi vấn đề nóng, Quốc hội đều phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng dựa trên những căn cứ khoa học cũng như thực tiễn để quyết định.
Kỳ họp thứ mười một cũng đã thông qua nhiều dự án luật, góp phần tăng cường công tác quản lý thuế, tháo gỡ những khó khăn và tạo động lực mới để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội nhập hiệu quả hơn, đó là: Luật Dược; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng... Trước khi luật được thông qua, những nội dung có ý kiến khác nhau đều được xin ý kiến ĐBQH bằng phiếu hỏi. Không ít quy định còn nặng về nguyên tắc chung, thiếu tính ổn định, chưa xác định được nguồn lực để triển khai thực hiện đã được lược bỏ. Điều này cho thấy, Quốc hội chú trọng xây dựng luật theo chiều sâu, thay vì chiều rộng.
Các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước được Quốc hội thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, phân tích sâu sắc những việc đã làm được, những việc chưa làm được, chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và kiến nghị những định hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Những đánh giá quan trọng này cũng đã khép lại một khóa Quốc hội thành công với khối lượng rất lớn công việc được hoàn thành, tạo ra tiền đề để có những bước phát triển mới trong nhiệm kỳ khóa XIV.
Những vấn đề cấp bách Quốc hội khóa XIII chưa làm được triệt để, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và các nhiệm kỳ sau phải tiếp tục đổi mới nhiều hơn nữa cũng được ĐBQH thẳng thắn đề cập. Theo ĐB Đỗ Văn Đương (Đoàn TP Hồ Chí Minh), cùng với việc hoàn thiện bộ máy nhà nước, yêu cầu quan trọng đặt ra là Quốc hội tiếp tục hoàn thiện thể chế để giải quyết tận gốc những bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho con đường đi lên của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.