Đoàn kết, dân chủ, trí tuệ
(HNM) - Năm 2022, HĐND thành phố Hà Nội đã bám sát quy chế làm việc, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, tổ chức thành công các kỳ họp đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đáp ứng nguyện vọng, sự mong mỏi của cử tri và nhân dân. Cùng với đó, hoạt động giám sát, khảo sát đúng trọng tâm, trọng điểm đã góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chung của Thủ đô.
Đặc biệt, hoạt động chất vấn tại các kỳ họp thường lệ của HĐND thành phố được triển khai rất nghiêm túc, tiếp tục tăng cường về chất lượng và hiệu quả. Thời gian chất vấn được tổ chức trong 1 ngày; duy trì việc trình chiếu phóng sự để minh chứng trực quan, sinh động, rõ các vấn đề chất vấn. Ngoài chất vấn đối với Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, thành viên UBND thành phố, tại các kỳ họp còn có sự tham gia báo cáo, giải trình, làm rõ các vấn đề của thủ trưởng các cơ quan liên quan và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã về các nội dung thuộc thẩm quyền. Cùng với đó, HĐND thành phố tăng cường hoạt động tái chất vấn để làm rõ các vấn đề, rõ trách nhiệm. Kết thúc phiên chất vấn, chủ tọa kết luận nêu cụ thể các nội dung, yêu cầu cam kết, “lời hứa”, rõ nguyên nhân, trách nhiệm, lộ trình, giải pháp khắc phục.
“Các phiên chất vấn của HĐND thành phố diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, thực chất, trách nhiệm và hiệu quả. Kết quả phiên chất vấn đã cho thấy các vấn đề được HĐND thành phố lựa chọn chất vấn là “trúng và đúng”, quan trọng, thiết thực, tác động lớn và phù hợp với thực tiễn đặt ra cho thành phố, đáp ứng nguyện vọng, sự mong mỏi của cử tri và nhân dân”, đồng chí Phạm Quí Tiên nhấn mạnh.
Không ngừng hoàn thiện
Trong năm 2022, HĐND thành phố đã tiến hành 2 cuộc giám sát chuyên đề về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố; việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Thường trực HĐND thành phố tổ chức 4 cuộc giám sát, nổi bật là việc thực hiện dự án Nhà máy Xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), tình hình tổ chức thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn)... Ngoài ra, các ban HĐND thành phố cũng tiến hành 21 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề; các tổ đại biểu HĐND thành phố giám sát gần 20 cuộc đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, các vấn đề dân sinh bức xúc…
Đặc biệt, bám sát diễn biến tình hình trên địa bàn thành phố và chỉ đạo của Thành ủy, Thường trực HĐND đã có những chỉ đạo, điều chỉnh các chương trình, nội dung giải trình, giám sát theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng cường giám sát thực địa, đẩy mạnh giám sát việc thí điểm thực hiện chính quyền đô thị…
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, điểm mới là sự chủ động phối hợp trong hoạt động giám sát giữa HĐND với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố. Theo đó, nhiều cuộc giám sát quan trọng của HĐND thành phố đã mời đại biểu Quốc hội ứng cử trên địa bàn tham dự vừa phát huy được trí tuệ của đại biểu, vừa cung cấp thông tin, tạo tiếng nói thống nhất, hiệu quả hơn trên diễn đàn dân cử, đồng thời nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Công tác chuẩn bị phục vụ giám sát được thực hiện kỹ càng, nghiêm túc; kết luận giám sát nêu rõ kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm, biện pháp và thời gian khắc phục... Các báo cáo kết quả giám sát, khảo sát được công bố công khai, gửi tới UBND thành phố và các đơn vị là đối tượng giám sát để nghiên cứu, tiếp thu và triển khai thực hiện, đồng thời được đăng trên trang thông tin điện tử của HĐND thành phố để cử tri, nhân dân theo dõi, giám sát.
Bên cạnh đó, hoạt động giải trình của Thường trực HĐND thành phố cũng đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân Thủ đô. Sau phiên giải trình, Thường trực HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố xây dựng kế hoạch tổng thể để khẩn trương xử lý dứt điểm, toàn diện khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, để có những kết quả trên, ngay từ đầu năm 2022, Thường trực HĐND thành phố đã bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và các chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội; đồng thời ban hành chương trình công tác chi tiết theo hướng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp đặc điểm tình hình để tránh trùng lặp, dàn trải, thuận lợi cho kiểm tra tiến độ và bảo đảm phát huy được hiệu lực, hiệu quả, thực chất.
Năm 2023, HĐND thành phố sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thành phố. Trong đó, tiếp tục phối hợp, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
HĐND thành phố sẽ tham gia tích cực, trách nhiệm các nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong năm 2023 của thành phố như: Sửa đổi Luật Thủ đô; Lập quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và các chương trình, kế hoạch công tác của Thành ủy. Tiếp tục cải tiến, đổi mới hoạt động kỳ họp, chất vấn, giải trình, giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND; thực hiện hiệu quả Đề án số 15-ĐA/TU ngày 12-5-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”.